Quỷ Cốc Sạn Đạo - Điểm nhấn rùng rợn của Thiên Môn Sơn 2024
Quỷ Cốc Sạn Đạo (鬼谷栈道/Ghost Valley Plank Road) là tên con đường nghe đã thấy rùng rợn với khách Du lịch Trương Gia Giới. Ở đây có gì đặc biệt? Cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương tìm hiểu trước khi đặt chân đến núi Thiên Môn trong Tour Trương Gia Giới và tự mình trải nghiệm nhé!
Tour Phượng Hoàng Cổ Trấn tour Trương Gia Giới Du Lịch Giá Rẻ 2024
Tour Phượng Hoàng Cổ Trấn từ Hà Nội Máy Bay Giá Rẻ 2024
Hà Nội - Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn Máy Bay
Tour Phượng Hoàng Cổ Trấn Trương Gia Giới Đường Bộ 2024
Tour Phượng Hoàng Cổ Trấn Trương Gia Giới từ HCM 5N4Đ 2024
HCM - Trùng Khánh – Trương Gia Giới – Phượng Hoàng cổ trấn 6N5Đ
Quỷ Cốc Sạn Đạo ở đâu?
So với Sạn Đạo Kính – Con đường vách kính ở Thiên Môn Sơn thì Quỷ Cốc Sạn Đạo có vẻ ít được biết đến hơn. Thế nhưng đã đi Thiên Môn Sơn thì thế nào bạn cũng sẽ đi qua con đường này nếu muốn tham quan hết một vòng ngọn núi Thiên Môn.
Quỷ Cốc Sạn Đạo (鬼谷栈道/Guigu zhandao/Ghost Valley Plank Road) không chỉ là một tuyến giao thông mà còn là một điểm danh lam thắng cảnh trên núi Thiên Môn, thuộc Công viên rừng Quốc gia Thiên Môn Sơn, Trương Gia Giới.
Quỷ Cốc Sạn Đạo
Dưới đây là bản đồ cảnh điểm chính ở Thiên Môn Sơn, bạn có thể thấy điểm bắt đầu của Quỷ Cốc Sạn Đạo là đèo Ỷ Hồng (Yihong guan/倚虹关) ngay sau đoạn Sạn Đạo Kính phía Tây, đi qua Khu rừng Ước nguyện; và kết thúc ở đầu cầu treo đi lên đền Thiên Môn Sơn.
Sạn Đạo Kính
Trên núi Thiên Môn có nhiều tuyến đường bộ ngắm cảnh. Để tới Quỷ Cốc Sạn Đạo, bạn có thể đi theo 2 tuyến tham quan:
- Cổng vào núi Thiên Môn - Đi đường bộ qua đại lộ Thông Thiên (đoạn đường đèo 99 khúc cua): Bắt đầu từ Cổng Trời (Động Thiên Môn) => tuyến phía Đông qua đỉnh Ngọc Hồ => đèo Khấu Vân => đền Thiên Môn Sơn => Quỷ Cốc Sạn Đạo => Sạn Đạo Kính => Lên cáp treo về cổng vào.
- Cổng vào núi Thiên Môn – Đi cáp treo lên Thiên Môn Sơn => Sạn Đạo Kính => Quỷ Cốc Sạn Đạo => Đền Thiên Môn Sơn => đèo Khấu Vân => đỉnh Ngọc Hồ => Cổng Trời => Đi về trên đoạn đèo 99 khúc cua.
Quỷ Cốc Sạn Đạo giữa băng tuyết bao phủ vách đá
Có gì tham quan trên đường Quỷ Cốc Sạn Đạo Thiên Môn Sơn?
“Sạn Đạo” thường mang ý nghĩa là con đường nhỏ bằng gỗ treo trên vách núi, Quỷ Cốc Sạn Đạo lại là con đường trải bê tông. Thế nhưng đây không phải đường bê tông thông thường hay cầu bắc qua núi mà là con đường nằm ngang ngay giữa những vách đá sừng sững của thung lũng Ma (Quỷ Cốc), du khách tới đây không khỏi choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Khung vách của con đường còn được trang trí như những rễ cây tỏa ra, thỉnh thoảng trên đường lại có những dải ruy băng ước nguyện màu đỏ được buộc phất phơ trên cành cây càng khiến Quỷ Cốc Sạn Đạo ma mị hơn.
Quỷ Cốc Sạn Đạo dài khoảng 1,6km, nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển và chỉ rộng chừng 1,5m nên cảm giác run run, vừa sợ hãi vừa kích thích của du khách càng trở nên rõ rệt.
Thiên Môn Sơn là công viên rừng quốc gia, thảm thực vật phong phú, cộng với địa hình núi đá vôi điển hình, nên trên con đường này, bạn có thể tìm thấy cảm giác bay qua rừng mưa nhiệt đới bằng trực thăng, hay ngắm cảnh với góc quay từ flycam.
Con đường Quỷ Cốc "bám" vào vách núi
Do ảnh hưởng của độ cao và luồng không khí, nhiều loài chim không thể bay tới song song với Quỷ Cốc Sạn Đạo. Thế nên đứng từ trên con đường này, dưới chân là đồng xanh bát ngát, núi đồi trùng điệp, từng đàn chim bay lượn thấp thoáng qua hẻm núi, thỉnh thoảng bỗng chốc có một con đại bàng bay vụt qua sẽ khiến bạn có cảm giác cực kỳ kích thích. Đặc biệt, nếu đến đây vào những ngày sương mù, dưới chân là biển mây mù mịt sẽ càng khiến bạn như một tiên nhân bước đi trên mây.
Nếu vẫn chưa đủ phấn khích thì giữa Quỷ Cốc Sạn Đạo có một bệ kính nhô ra, hay con đường ván kính (Sạn Đạo Kính) ngay trước Quỷ Cốc Sạn Đạo và cây cầu treo dài 160m ở cuối con đường chắc chăn sẽ là thử thách giới hạn cho trái tim bạn. Trên cây cầu treo, quay lại nhìn Quỷ Cốc Sạn Đạo, bạn có thể nhìn thấy một phần con đường đó và cả đài quan sát trên Vân Mộng Tiên Đỉnh – đỉnh núi cao nhất ở Thiên Môn Sơn. Sau khi tham quan, hãy kết thúc trải nghiệm bằng cách ngồi tĩnh tâm trên cáp treo nhỏ trở lại cổng vào, nhìn lại Quỷ Cốc Sạn Đạo xa dần khỏi tầm mắt.
Quỷ Cốc Sạn Đạo và đỉnh Vân Mộng nhìn từ cầu treo
Quỷ Cốc Sạn Đạo có truyền thuyết gì?
Khi đi Du lịch Trương Gia Giới, nếu đi tour có hướng dẫn viên có thể họ sẽ kể cho bạn truyền thuyết về Quỷ Cốc Sạn Đạo. Thế nhưng nếu đi tự túc có lẽ bạn sẽ không được biết đến. Chuyện kể rằng Quỷ Cốc Tử là người sáng lập binh pháp “tung hoành thuật” vào thời Chiến Quốc (Chiến Quốc Tung Hoành). Trên vách đá Trăm Trượng của Thiên Môn Sơn có một hang động hình thang ngược, cửa hang có cây cối, nước từ thác nước trong hang bay tuôn ra, mờ ảo như khói.
Hang Quỷ Cốc
Quỷ Cốc Tử đã từng nghiên cứu "Dịch" trên bức tường trong hang động, chuyên tâm luyện công và sáng tạo ra "Quỷ Cốc Thần Công" nổi tiếng thế giới. Ngoài ra còn có một cuốn sách bí mật võ thuật "Thiên Môn 36 lượng thiên xích", và rồi các thế hệ sau gọi động này là động Quỷ Cốc. Con đường chúng ta đang nói đến được xây dựng trên vách đá Vạn Trượng bên hang Quỷ Cốc nên được gọi là "Quỷ Cốc Sạn Đạo".
Ngoài truyền thuyết về cái tên Quỷ Cốc, trên đường tham quan con đường này, nếu để ý bạn sẽ thấy một bia đá khắc như dưới đây. Đó là tảng đá ghi lại câu chuyện “Kho báu của Dã Phất”.
Dã Phất tên thật là Lý Quá. Ông là một vị tướng dưới quyền của Lý Tự Thành - thủ lĩnh của đội quân khởi nghĩa nông dân vào cuối thời nhà Minh, chiếm được kinh thành và lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Đại Thuật hoàng đế rồi lập ra “Đại Thuận”. Lý Quá sau khi đi tu thì lấy hiệu là "Dã Phất". Ông đã từng theo Lý Tự Thành trong cuộc viễn chinh phía Nam và phía Bắc, chiến công lẫy lừng. Sau thất bại chống lại nhà Thanh, Lý Tự Thành và Dã Phất sống ẩn dật trong Đền Giáp Sơn ở Thạch Môn, Hồ Nam. Sau khi Lý Tự Thành qua đời, Dã Phất dẫn hơn 100 người, thuê 9 chiếc thuyền gỗ lớn, bí mật lẻn vào thành Đại Dung (Dayong - tức là thành phố Trương Gia Giới ngày nay), đi ngược sông lên núi Thiên Môn.
Đền Thiên Môn Sơn
Sau khi lên núi, Dã Phất trở thành một nhà sư ở Đền Thiên Môn Sơn. Nhưng việc xuất gia của ông không phải để thành Phật mà để đợi ngày phục thù, lấy lại Trung Nguyên. Khi ông còn là một nhà sư ở đềnThiên Môn Sơn, chính quyền nhà Thanh đã nhiều lần ra lệnh cho chính quyền địa phương cử trinh sát đến bắt giữ ông. Để nâng cao võ công của mình, Dã Phất đã đến thăm động Quỷ Cốc. Từ những dấu vết được khắc trên các bức tường đá trong hang động và lời giải thích của Quỷ Cốc Tử về các động tác, ông đã lĩnh hội được một bộ khí công cứng rắn. Với võ công này, ông đã đánh bại nhiều võ sư mà triều đình phái tới.
Con đường Quỷ Cốc đầy ma mị
Thời gian trôi qua, Dã Phất ngày càng đau ốm và không đủ khả năng chi trả thuốc men. Thời đó có câu chuyện truyền miệng rằng, khi Lý Tự Thành bại trận, rút lui khỏi kinh đô, ông từng cướp hết vàng bạc châu báu trong ngân khố, định sau này sẽ phục thù. Dã Phất luôn đi theo Lý Tự Thành cho đến khi ông ta qua đời rồi chuyển đến đền Thiên Môn Sơn, phải dùng đến 9 chiếc thuyền lớn để chuyển đồ đạc của ông ta, có thể tưởng tượng rằng thứ ông ta bí mật vận chuyển đến núi Thiên Môn phải là một lượng lớn vàng bạc châu báu đã cướp. Thấy rằng kế hoạch phục thù của mình thất bại, Dã Phất đã phân tán và chôn những kho báu này ở một số nơi bí mật trên núi Thiên Môn trước khi chết. Hàng trăm năm qua, sự cám dỗ của vàng bạc đã khiến rất nhiều người đã lên núi truy tìm bảo vật nhưng đều trở về tay không. Những kho báu này được cất giấu ở đâu đã trở thành một bí ẩn không thể giải đáp của Thiên Môn Sơn.
Trên đây chỉ là một vài thông tin sơ lược và những câu chuyện khiến bạn có hứng thú hơn với con đường Quỷ Cốc này. Trong kỳ nghỉ sắp tới, nếu có ý định đi Tour du lịch Trương Gia Giới tới Thiên Môn Sơn thì hãy liên hệ trước với Kỳ Nghỉ Đông Dương qua số hotline, facebook hay zalo hiện trên màn hình để được tư vấn lịch trình và đặt tour sớm nhé! Hy vọng bạn sẽ có được trải nghiệm thật đẹp khi tham quan núi Thiên Môn trên con đường này!
Ngọc Thúy