Đại Nghiên Cổ Trấn xiêu lòng khách du lịch Lệ Giang (2024)
Tour Lệ Giang từ Hà Nội Giá Rẻ Du Lịch Shangrila 2024
Tour Lệ Giang Đường Bay Giá Rẻ Du Lịch Shangri La 2024
Đại Nghiên Cổ Trấn ở đâu?
Trấn cổ Lệ Giang
Đại Nghiên cổ trấn nghe có thể xa lạ với khách du lịch nhưng cái tên phố cổ Lệ Giang / Lệ Giang cổ trấn hay thành cổ Lệ Giang chắc chắn bạn sẽ thấy quen thuộc hơn.
Tuy nhiên thành phố cổ Lệ Giang không chỉ là Đại Nghiên cổ trấn mà bao gồm 3 khu phố cổ: Đại Nghiên (Dayan / 大研), Thúc Hà cổ trấn (Shuhe / 束河) và Bạch Sa cổ trấn (Baisha / 白沙). Đại Nghiên cổ trấn là khu vực phát triển nhất trong 3 cổ trấn, lượng khách du lịch tới đây nhiều hơn 2 trấn cổ còn lại, có mức độ hiện đại hóa cao nhất nên nhiều khách Tour Trung Quốc quen gọi luôn là Lệ giang cổ trấn.
Đây là trung tâm lịch sử của thành phố Lệ Giang ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trấn cổ này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Vì sao có tên Đại Nghiên Cổ Trấn?
Thành cổ Lệ Giang đã có niên đại tới 800 năm, được xây dựng vào cuối thời nhà Tống – đầu nhà Nguyên (cuối thế kỷ 13). Nơi này được truyền đời các thổ ty họ Mộc cai quản, chyển trung tâm quản lý từ Bạch Sa tới núi Sư Tử ở Đại Nghiên cổ trấn hiện nay. Nhiều ghi chép để lại cho thấy từ thời đó, Lệ Giang đã rất nổi tiếng, từng được gọi Đại Nghiên sương (大研厢 – “sương” gần nghĩa như vùng ngoại ô) vào thời nhà Minh; làng Đại Nghiên (大研里) vào thời nhà Thanh rồi được đổi tên thành trấn Đại Nghiên sau thời Trung Hoa Dân Quốc.
Không mấy ai rõ cái tên Đại Nghiên xuất phát từ đâu, nhưng truyền miệng qua bao đời rằng do nơi này có rất nhiều kênh rạch chằng chịt, tỏa đi khắp thị trấn giống như nước lan trong một nghiên mực lớn nên gọi như vậy. Với địa lý như vậy, nhiều du khách còn gọi trấn cổ này là “Venice của phương Đông”. Thật vậy, “nghiên mực” có nuồn nước từ sông Ngọc Hà, từ đó chảy trôi đi khắp thành cổ, chia nhỏ Lệ Giang ra thành vô số “ốc đảo” rồi lại nối nhau bằng những chiếc cầu đá, cầu gỗ nhỏ, khiến cấu trúc Lệ Giang luôn độc đáo trong mắt mỗi người từng ghé thăm.
Sự đặc biệt trong lịch sử thành cổ Lệ Giang
Gọi là thành cổ nhưng nhiều khách du lịch đã để ý Lệ Giang không có tường thành bao bọc giống như nhiều thành cổ khác ở Trung Quốc. Lý do là bởi từ xa xưa, Thổ ty cai quản Lệ Giang là người Nạp Tây, không mang họ người Hán. Đến năm 1382 vua Chu Nguyên Chương nhận thấy vùng này xa kinh đô nên đã làm lễ quy thuận cho vùng này về với nhà Minh, bỏ bớt nét trong họ Chu (朱) của mình thành chữ Mộc (木) và ban họ Mộc cho gia tộc Thổ ty này. Thế nhưng nếu xây thành quanh Lệ Giang sẽ giống như xây thành quanh “họ Mộc”, tức giống như chữ “Khốn” (困) nghĩa là bao vây, gian khổ. Theo dân gian mê tín thì xây thành như vậy có thể khiến cả gia tộc họ Mộc lẫn nhân dân trong vùng gặp nguy nan nên đã quyết định không xây thành trì như những nơi khác.
Đối với du khách, không gian Lệ Giang không có tường thành mà chỉ có nhà dân san sát nhau như vậy càng khiến nơi này được mở rộng đến chân trời, hòa vào cùng sự tĩnh lặng, lãng mạn của trấn cổ. Sau đây, mời bạn cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương ghé thăm những điểm đến nổi tiếng nhất của Đại Nghiên cổ trấn nhé!
Đại Nghiên cổ trấn có điểm đến nào nổi tiếng?
Guồng nước Cầu Ngọc Long – Quảng trường Ngọc Hà
Nằm ngay đầu phía Bắc của Đại Nghiên Cổ Trấn là cầu Ngọc Long với guồng nước – nét đặc trưng bạn có thể thấy trong nhiều tấm hình check-in địa điểm ở Lệ Giang cổ trấn. Rẽ vào quảng trường Ngọc Hà ngay bên cạnh guồng nước, bạn sẽ thấy hành lang với hàng ngàn Chuông gió Lệ Giang treo kín tại đây. Chuông gồm 1 tấm gỗ ghi lời ước nguyện, bên trên là sợi dây màu đỏ, bên dưới buộc một chiếc chuông nhỏ. Người dân Nạp Tây ở Lệ Giang tin rằng khi có gió, chiếc chuông kêu leng keng sẽ mang điều ước tới nơi cần đến và trở thành hiện thực. Nếu muốn, bạn hãy mua một chiếc, viết ước nguyện của mình và treo lên giàn hành lang này nhé!
Hẻm Đại Nghiên Hoa
Trên đường từ cầu Ngọc Long xuống tới phố Tứ Phương, khách Du lịch Lệ Giang sẽ bắt gặp một con ngõ nhỏ mang tên Đại Nghiên Hoa (Dayanhua xiang / 大研花巷). Con ngõ này là điểm du lịch nổi tiếng của Đại Nghiên Cổ Trấn với nhiều dự án triển lãm, trung tâm phân phối khách du lịch, khu ẩm thực đặc sản Vân Nam… Mỗi cửa hàng ở đây đều nho nhỏ, bé xinh và đâu đó ở những góc tường có treo những tấm thiệp ước đầy màu sắc khiến con ngõ này càng thêm đáng yêu, khiến du khách đi qua không khỏi rung rinh con tim.
Phố Tứ Phương – Điểm tụ của Đại Nghiên cổ trấn
Phố Tứ Phương (四方 / Sifang), hay quảng trường Tứ Phương là trung tâm của thành phố cổ Lệ Giang. Vào thời nhà Minh, Thổ ty họ Mộc đã xây dựng nơi này theo hình dạng con dấu của ông. Nếu để ý bản đồ Đại Nghiên cổ trấn, bạn sẽ thấy từ con phố này, bạn có thể tỏa đi khắp các ngả của trấn cổ.
Đây là trung tâm quan trọng nhất trên Con đường Trà - Mã cổ đại. Kể từ thời nhà Minh và nhà Thanh, các thương nhân từ mọi tầng lớp xã hội đã tụ tập ở đây, và nền văn hóa của các dân tộc khác nhau đã giao thoa ở đây, khiến phố Tứ Phương trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và giao lưu văn hóa của Lệ Giang. Ngày nay, phố Tứ Phương là con phố ăn vặt của thành cổ, hai bên đường có hàng chục nhà hàng nhỏ, mỗi nhà hàng đều có nhiều loại mỳ gạo đặc trưng của Vân Nam nên con phố này còn được gọi là “Phố mỳ Lệ Giang”.
Phố Tứ Phương là một địa điểm quan trọng – nơi người dân Lệ Giang tiến hành các hoạt động lễ hội, lễ mừng năm mới…. Mỗi ngày ở đây còn có người dân các dân tộc sinh sống tại Lệ Giang biểu diễn những bài hát và điệu nhảy dân ca vào các khung giờ 11 giờ, 14 giờ và 16 giờ.
Ngay bên cạnh phố Tứ Phương là phố Tân Hoa – còn được biết tới là khu phố bar cực kỳ sôi động về đêm, trái ngược hẳn với vẻ lặng lẽ, nhẹ nhàng ban ngày của Đại Nghiên cổ trấn. Nếu yêu thích sự sống động, náo nhiệt, hãy ghé thử qua bạn nhé!
Mộc Phủ - “Tử Cấm Thành” của phương Nam
Mộc Phủ được xem như biểu tượng văn hóa của thành phố cổ Lệ Giang, nằm ở chân phía đông của núi Sư tử trong thành phố cổ. Dinh thự này được ví như “Tử Cấm Thành của phương Nam” bởi sự lộng lẫy, xa hoa, bề thế cũng như kiến trúc mang phong cách của kiến trúc Trung Nguyên thời nhà Minh, đồng thời vẫn giữ được phong cách thô mộc đơn giản của các tòa nhà Trung Nguyên thời Đường và Tống.
Phía Đông thuộc “mộc”, mặt trời và mộc là vật thờ cúng trong tôn giáo của người Nạp Tây Đông Ba, cũng là họ do hoàng đế ban cho người Nạp Tây, kể từ đó, tên cha con truyền thống Nạp Tây đã được đổi thành tên tiếng Trung. Để có được tinh thần "mộc" và mong Mộcốn sự hưng thịnh, kiến trúc của Mộc Phủ xây lưng về phía tây và quay chính diện về phía đông.
Kể từ khi họ Mộc - thủ lĩnh (Thổ ty) của dân tộc Nạp Tây kế thừa quận Lệ Giang vào thời nhà Nguyên (1253), gia tộc Thổ ty họ Mộc đã trải qua 22 triều đại và 470 năm trong các triều đại Nguyên, Minh và Thanh. Có mười một tấm bảng do các hoàng đế của các triều đại ban tặng được treo bên trong Mộc phủ, phản ánh lịch sử thăng trầm của gia tộc này.
Theo ghi chép của "Biên niên sử dinh thự Lệ Giang", Cung điện Mộc Phủ trước đây rất hùng vĩ và được bố trí nghiêm ngặt. Vào thời hoàng kim, Mộc Phủ có diện tích hơn 100 mẫu, có gần 100 tòa nhà, chỉ riêng trục trung tâm đã dài gần 400 mét, gồm điện Tam Thanh, lầu Ngọc Âm, lầu Quang Bích, điện Hộ Pháp, lầu Vạn Quyển, sảnh nghị sự, và Trung Nghĩa Phường, được sắp xếp theo thứ tự từ Tây sang Đông. Cùng với đó là nhiều ngôi nhà ở hai bên trục, nhiều đình đài và vô số hành lang với phong cách kiến trúc độc đáo. Trong dinh thự có tổng cộng 162 gian phòng lớn nhỏ, vườn sau thông với vườn sau núi Sư Tử qua “cầu vượt cổ đại”, là một khu vườn nghệ thuật kiến trúc lộng lẫy. Tới núi Sư Tử, bạn có thể ghé thăm Vạn Cổ Lầu – bảo tháp nơi có thể nhìn ngắm toàn cảnh trấn cổ Lệ Giang.
Mộc Phủ mặc dù chỉ là dinh thự của một Thổ ty nhưng sự xa hoa và tráng lệ của nó có thể được so sánh với nơi ở của các hoàng tử và quý tộc nơi phương Bắc xa xôi. Người ta nói rằng vào giữa và cuối thời nhà Minh, gạch lát nền của toàn bộ các phòng trong phủ và lan can trong sân đều được làm bằng đá cẩm thạch trắng. Cổng vòm bằng đá trước cổng Mộc Phủ, bốn cột đá chống đỡ đình đền, xà nhà, mái hiên và tấm che trên cổng tò vò, ngay cả biển khắc chữ "trung thành" do hoàng đế Minh Thần Tông của triều đại nhà Minh ban tặng cũng đề được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng được lấy từ sông Kim Sa.
Những cây cầu cũ
Có 354 cây cầu được xây dựng trên hệ thống dẫn nước sông Ngọc Hà trong thành cổ Lệ Giang, với mật độ trung bình là 93 cây cầu trên một km2. Cầu có nhiều hình dạng khác nhau, nổi tiếng hơn cả là cầu Tỏa Thúy (锁翠桥 / Suocui), cầu Đại Thạch (大石桥 / Dashi), cầu Vạn Thiên (万千桥/ Wanqian), cầu Nam Môn (南门桥 / Nanmen), cầu Mã An (马鞍桥 / Ma'an) và cầu Nhân Thọ (仁寿桥 / Renshou). Tất cả đều được xây dựng vào thời nhà Minh và nhà Thanh (thế kỷ 14-19). Trong số đó, cầu Đại Thạch nằm cách phố Tứ Phương 100 mét về phía đông là đặc biệt nhất.
Cầu Đại Thạch
Cầu Đại Thạch là cây cầu đầu tiên trong số tất cả các cây cầu ở thành cổ, do Thổ ty họ Mộc xây dựng vào thời nhà Minh. Bởi vì hình ảnh phản chiếu của Núi Tuyết Ngọc Long có thể được nhìn thấy từ dòng sông dưới cầu nên nó còn được gọi là cầu Ánh Tuyết (映雪桥 / Yingxue). Cầu là dạng cầu vòm đá hai lỗ, vòng vòm đỡ bằng đá phiến, cầu dài hơn 10m, rộng gần 4m, mặt cầu được lát bằng đá ngũ hoa truyền thống.
Phường Khoa Cống
Phường Khoa Cống (Khoa Cống Phường / 科贡坊 / Kegongfang) nằm ở phía tây của Phố Tứ Phương, là một tòa nhà ba tầng. “Phường” ở đây không phải phường xã chúng ta thường nghe đến mà có nghĩa là tòa nhà ghi công đức, đức hạnh, công lao thời xưa (Trung Nghĩa Phường ở Mộc Phủ cũng có nghĩa như vậy). Theo người dân truyền miệng, Khoa Cống Phường được xây dựng lần đầu tiên vào thời Đạo Quang của triều đại nhà Thanh (khoảng 1820 – 1850). Tòa nhà này được xây dựng cho "Nhất Môn Tam Cử" của gia đình họ Dương, hiểu nôm na là một nhà ba người đều trúng cử làm quan.
Vào năm Ung Chính đầu tiên của triều đại nhà Thanh (1723) Lệ Giang đã thực hiện cải cách ruộng đất và trả lại cho người dân địa phương, quy định cha truyền con nối ban đầu của các Thổ ty đã được chuyển thành quy định quan lại do trung ương bổ nhiệm theo chính quyền trong một nhiệm kỳ nhất định. Trong thời Gia Khánh của nhà Thanh, Dương Triệu Lan - người sống ở ngõ Khoa Cống – cùng Dương Triệu Vinh là hai anh em đều trúng cử, được bổ nhiệm. Trong thời Đạo Quang, con trai của Dương Triệu Vinh là Dương Thạc thần lại thắng cử nên chính quyền và người dân quyên tiền xây nên tòa nhà Khoa Cống Phường hai tầng ở đầu ngõ. Tòa nhà đã bị hỏa hoạn thiêu rụi vào ngày mồng 3 tháng giêng âm lịch năm 1944. Ba năm sau, Khoa Cống Phường được xây dựng lại và nâng cấp lên ba tầng.
Cung Văn Xương và Đài quan sát
Cung Văn Xương (文昌宫 / Wenchang gong)và Đài quan sát nằm ở phía tây của Núi Sư Tử trong thành phố cổ. Nó được xây dựng lần đầu tiên vào năm đầu tiên của Hoàng đế Ung Chính của triều đại nhà Thanh (1723), và được tri phủ đầu tiên của Lệ Giang di dời đi. Đây là một ngôi đền Đạo giáo ở thành cổ Lệ Giang.
Theo "Biên niên sử dinh thự Lệ Giang": "Cung điện Văn Xương nằm ở cổng phía Tây của thành phố, được xây dựng lại bởi tri phủ Dương Tất, và được xây dựng lại bởi tri phủ Cận Trị Kỳ”. Cung điện Văn Xương là ngôi đền Đạo giáo của " Văn Xương Đế Quân". Trong lịch sử, vào ngày 3 tháng 2 hàng năm, các hoạt động tế lễ lớn được tổ chức trong cung điện bởi các trưởng quan địa phương, cận thần, danh nhân và học giả tới để cầu nguyện cho sự thịnh vượng, sung túc và mưa thuận gió hòa của địa phương. Đối với khách du lịch, đây là một trong những điểm lý tưởng để nhìn toàn cảnh Lệ Giang từ trên cao, bên cạnh Vạn Cổ Lâu.
Đại Nghiên Cổ Trấn – Nét trầm lãng mạn bình yên
Vào mùa xuân – hạ, Đại Nghiên cổ trấn trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết, không gian hoài cổ trầm mặc được điểm tô bởi muôn vàn sắc hoa tươi thắm. Tới mùa đông, trấn cổ này chìm trong tuyết trắng, nổi bật lên những chiếc đèn lồng đỏ, cột xà sơn son của những cung điện nơi đây. Dạo bước trên những con phố, bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà cổ với sự pha trộn phong cách kiến trúc của các dân tộc Hán, Bạch, Tạng hài hòa với nét kiến trúc truyền thống của dân tộc Nạp Tây khiến chúng trở nên vô cùng độc đáo và ấn tượng.
Lệ Giang về đêm
Khi màn đêm buông xuống, Đại Nghiên cổ trấn lại sôi động, khác với sự lãng mạn, yên tĩnh của ban ngày. Những con phố cổ được thắp sáng bởi hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ, những nhịp cầu bắc qua cũng được sáng bừng những ánh đèn lung linh, soi bóng xuống dòng sông êm đềm.
Khoác trên mình nét đẹp giản dị, mộc mạc và hoài cổ, Đại Nghiên cổ trấn khiến du khách bị “mê hoặc” bởi cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và không gian hoài cổ. Lạc bước trong cổ trấn thả hồn vào không gian thanh bình ngắm nhìn cảnh sắc bình yên nơi đây sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng thư thái và thoải mái. Hãy liên hệ Kỳ Nghỉ Đông Dương theo số hotline, zalo và facebook trên màn hình để đặt Tour du lịch Lệ Giang, đặt chân đến nơi đây và cảm nhận cảnh sắc thành cổ Lệ Giang bạn nhé!
Ngọc Thúy
(Nguồn ảnh: Kỳ Nghỉ Đông Dương và các nguồn sưu tầm khác. Nếu bạn là tác giả ảnh, vui lòng liên hệ với website chúng tôi. Xin cảm ơn!)