Trại Phú Tường Chuồng cọp Pháp tại Côn Đảo (2024)
Trại giam Phú Tường nằm trên đường Tôn Đức Thắng, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trại giam được mệnh danh là "Chuồng cọp kiểu Pháp" là một trong những hệ thống nhà tù của thực dân Pháp và chính quyền Sài Gòn cũ đã bí mật xây dựng để giam giữ và tra tấn những người tù chính trị được đưa ra Côn Đảo. Hãy cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương đi Tour Côn Đảo và khám phá trại tù bí ẩn này nhé.
Tour Côn Đảo từ Hà Nội Giá Rẻ Du lịch Côn Đảo 2024
Cỏng trại giam Phú Tường
Vài nét về trại giam Phú Tường
Trại Phú Tường được xây dựng vào năm 1940, tên ban đầu là Bange 3. Đến thời chính quyền Sài Gòn cũ đổi tên gọi là trại Bác Ái, trại 3 và tên cuối cùng là trại Phú Tường thuộc hệ thống trung tâm cải huấn - trại Phú Hải.
Trại giam Phú Tường được người Pháp xây dựng cùng thời điểm với trại giam Phú Phong, bao bọc lấy khu Chuồng Cọp bí mật ở giữa. Được người Pháp và chính quyền Sài Gòn cũ xây dựng trong khoảng từ năm 1940 đến năm 1962 tạo thành một cụm bao quanh che giấu cho Bange 3 phụ hay còn gọi là Chuồng cọp bí mật đã được xây dựng năm 1941. Khu biệt giam nổi tiếng của Pháp và chính quyền Sài Gòn sau này luôn để giam giữ các tù chính trị được coi là nguy hiểm nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của những người tù nếu không được sẽ thủ tiêu ngay.
Vườn rau nơi không ai để ý có đường vào Chuồng Cọp
Chuồng cọp có tổng diện tích là 5.475m2, diện tích phòng giam là 1.408m2 , khoảng không gian trống là 2.194 m², phòng giam có kích thước 1,45 m x 2,5 m. Bao gồm hai mật khu, mỗi mật khu gồm 2 dãy nhà, mỗi dãy gồm 20 chuồng cọp, có cầu thang đi lên trên nóc các dãy chuồng cọp. Phía trên chuồng cọp có dãy song sắt và hành lang để gác ngục từ trên cao quan sát tù nhân bên dưới. Tại Chuồng Cọp còn được xây dựng 60 phòng giam riêng biệt đều không có mái che được tù nhân gọi vui là "phòng tắm nắng" được chia thành 4 dãy, mỗi dãy có 15 phòng. Phòng không mái che này là nơi cai ngục tra tấn tù nhân bằng cách phơi nắng, phơi mưa hoặc là mang tù nhân ra đánh đập tra tấn. Ngoài ra còn có các công trình phụ như: nhà bếp, nhà kho, bệnh xá và sân vườn.
Cảnh cửa nhỏ vào chuồng cọp
Khu biệt giam Chuồng Cọp chính quyền Sài Gòn cũ đưa vào diện bí mật hoàn toàn, mãi cho đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động quốc hội Mỹ và dư luận quốc tế. Chuồng Cọp ở giữa hai Trại 7 và Trại 8 nằm so le nhau chủ ý là muốn giữ bí mật với bên ngoài. Khi đi từ Trại 7 vào thì tù nhân nghĩ đang ở Trại 8, khi đi từ Trại 8 thì nghĩ đang ở Trại 7. Các đoàn thanh tra của Mỹ hay các báo đài thế giới ra đây thường được bố trí đến trại vào thời gian cuối ngày hoặc khi đoàn đã mệt nên chỉ vào Trại 7 hoặc Trại 8 mà không hề để ý đến "tiểu tiết" này. Khi Chuồng Cọp bị phát hiện, ngay lập tức hạ viện Mỹ và các tờ báo lớn cùng dư luận thế giới đã lên án mạnh mẽ và đem sự việc này ra chất vấn tạo thành làn sóng phản chiến vô cùng lớn.
Con đường nhỏ dẫn vào chuồng cọp
Tội ác tàn bạo với tù nhân
Trại Phú Tường là một trai giam vô cùng đặc biệt, như bình phong để che dấu Chuồng Cọp bên trong. Tuy được xây dựng từ rất sớm dùng để tra tấn và dùng hình dã man những người tù cộng sản nhưng khu Chuồng Cọp vẫn không bị phát hiện vì những người tù đều bị bịt mắt trước khi được di chuyển đến buồng giam nhằm đảm bảo tù nhân không xác định được phương hướng. Nguy hiểm nhất là tù nhân vào đây có thể bị thủ tiêu bất cứ lúc nào.
Mỗi phòng giam có diện tích rất nhỏ, bên trên là hệ thống song sắt kiên cố và có lối đi cho bọn cai ngục đi lại kiểm soát và tra tấn tù chính trị bằng nhiều hình thức như: dùng gậy có đầu bọc sắt từ trên cao chọc xuống, dội nước bẩn, ném vôi bột, không cho tắm, thùng vệ sinh thì từ 1 đến 2 tháng mới cho đi đổ... Ngoài ra, các tù chính trị bị lôi đi tra tấn hoặc làm trò chơi cho những tên cai ngục bất kể bọn chúng vui hay buồn (theo lời kể của thuyết minh viên). Lúc cao điểm, khu Chuồng Cọp giam giữ hàng ngàn tù nhân. Cứ 5 đến 12 người người bị nhốt vào một chuồng. Ăn, ngủ, đại, tiểu tiện ngay trong phòng. Tù nhân không có cả chỗ nằm thậm chí là ngồi, ban đêm nằm xếp chồng lên nhau, rất khổ cực. Hơn thế nữa là chế độ ăn cũng vô cùng tồi tệ, phải bắt côn trùng và chuột bọ để cải thiện.
Buồng giam tù nhân
Khu phòng tắm nắng là nơi cai tù dùng đòn roi tra tấn. Cùng với đó là dùng thời tiết khắc nhiệt tại Côn Đảo hành hạ người tù bằng cách lột trần quần áo, ban ngày nắng nóng phơi da phơi thịt, đêm thì lạnh lẽo giữa bốn bức tường đá, bao bọc bởi dây thép gai. Người tù bị tra tấn như vậy cho đến chết.
Một khu bệnh xá được xây dựng nhằm che mắt các đoàn thanh tra nhân quyền. Còn mục đích chính là kết liễu tù nhân bằng thuốc độc, hoặc các hình thức như mổ bụng moi gan...
Tàn nhẫn nhất là những trò tra tấn như thời nguyên thủy với những nữ tù nhân. Đồng chí Nguyễn Thị Bé đã tự mổ bụng mình và cắt một đoạn ruột ném vào mặt tên Cai ngục Đại úy Nguyễn Phúc Trân để phản đối sự tra tấn hèn hạ với nữ tù chính trị.
Buồng giam nữ tù nhân nhìn từ trên xuống
Bà Mười Đào, nữ tù nhân chính trị Côn Đảo có 9 năm bị biệt giam chuồng cọp với hàng trăm vết thương tích – đây là “sản phẩm” của những trận tra tấn dã man. Bà chia sẻ: “Những nữ tù bị những thương tích vĩnh viễn và vô cùng hiểm ác không nói được. Đa phần các nữ tù chính trị khi ra tù không còn khả năng sinh con và chết dần chết mòn vì những di chứng để lại”.
30 năm Bí mật về Chuồng Cọp mới bị phát hiện
Bí mật sẽ mãi mãi bị che dấu nếu không có 5 sinh viên được thả từ trong Trại Phú Tường. Thời điểm đó phong trào phản chiến đang lên cao rất nhiều sinh viên đã xuống đường biểu tình đang phản đối chiến tranh bị bắt ra Côn Đảo, cùng với đó là áp lực của dự luận trong và ngoài nước yêu cầu trả tự do cho sinh viên.
Dùng gậy sắt tra tấn tù nhân
Cùng thời gian này, các nhà báo Quốc tế cũng như dư luận tại Việt Nam vẫn nghe đồn về một trại giam Chuồng Cọp, nhưng tất cả những cuộc điều tra đều không tìm được bằng chứng. 5 sinh viên khi được thả trở về Sài Gòn đã nhớ lại và vẽ ra tấm bản đồ hướng dẫn cách đi vào Chuồng Cọp, và gửi cho những nhà báo quốc tế đang quan tâm. Ngay lập tức, tháng 6 năm 1970, một đoàn thanh tra được lập ra và cử đến Côn Đảo gồm các dân biểu Mỹ cùng các nhà báo Quốc Tế đã đi theo tấm bản đồ để tìm ra sự thật về Chuồng Cọp này.
Trong đoàn thanh tra có một phóng viên người Mỹ tên là Don Luce đã từng tham chiến tại Việt Nam nhiều năm, nên ông rất hiểu tình hình bắt bớ tù nhân tại đây, cùng với sự hỗ trợ của tấm sơ đồ trong tay, mọi bí mật về Chuồng Cọp đã bị phơi bày ra ánh sáng.
Phòng phơi nắng
Giống như 5 sinh viên mô tả, trong trại có 2 lần cửa, nếu đi thẳng sẽ vào trại giam bình thường, rẽ ngang sẽ đi ra vườn rau, một góc của vườn rau có cửa nhỏ dẫn đến Chuồng Cọp. Một điểm chưa xác định được rõ là do bịt mắt nên không nhớ rẽ trái hay phải. Do sự tinh ý và những yêu cầu của Don Luce tên Chúa Đảo đã tự đưa cả đoàn ra vườn rau, Chuồng Cọp đã lộ ra ngay sau cánh cửa hẹp và ngay lập tức bị chấp vấn tại Hạ viện Mỹ, cũng như bị các tờ báo lớn trên thế giới gây sức ép, buộc chính quyền Sài Gòn phải chuyển ngay 480 tù chính trị đang bị giam giữ ra ngoài, và ngay lập tức phá bỏ toàn bộ khu Chuồng Cọp. Sau đó, một số tù nhân đưa sang phòng giam khác, còn một số được đưa vào bệnh viện tâm thần.
Trạm xá trại Phú Tường
Trại tù Phú Tường, Côn Đảo với những khu Chuồng Cọp kiểu Pháp luôn là nỗi ám ảnh trong tâm trí mỗi người tù chính trị đã bị giam giữ nơi đây mỗi khi nhắc tới. Thời gian đã trôi qua thấm thoát nửa thế kỷ, ngày nay, nơi đây trở thành điểm đến thu hút các đoàn khách đi tour du lịch Côn Đảo muốn tìm hiểu về lịch sử Côn Đảo nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung qua các thời kỳ và thấu hiểu những nỗi đau mà thế hệ đi trước phải chịu đựng để đổi lấy nền hòa bình ngày hôm nay.
Bài và ảnh Minh Tú