Trại Phú Bình Chuồng cọp Mỹ tại Côn Đảo (2024)
Trại giam Phú Bình nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trại giam được tù nhân đặt cho cái tên là “Chuồng cọp kiểu Mỹ” . Nổi tiếng với các hình thức tra tấn tinh thần và thể xác những người tù yêu nước Việt Nam. Hãy cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương tham quan Tour Côn Đảo hiểu rõ về nhà tù Phù Bình bạn nhé.
Tour Côn Đảo từ Hà Nội Giá Rẻ Du lịch Côn Đảo 2024
Lịch sử trại giam Phú Bình
Trại giam Phú Bình được xây dựng từ năm 1971 đến năm 1973 thường được gọi là Trại 7. Hiệp định Paris được ký kết, nhà tù được đổi tên gọi trại Phú Bình. Tổng diện tích 25.788m2, trong đó có 9.630m2 phòng giam. Được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông gồm 384 phòng giam, được chia làm 4 khu lớn: AB, CD, EF, GH. Trong mỗi khu lớn lại chia thành 2 khu nhỏ ví dụ Khu A, Khu B. Mỗi khu nhỏ có 48 phòng chia 2 dãy.
.
Thiết kế nhà tù vô cùng ác độc
Đây là trại giam được người Mỹ đầu tư thiết kế và xây dựng (hãng thầu RMK). Là nhà tù khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng cuộc chiến tranh Việt Nam. Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ đã dùng cả yếu tố bất lợi của thiên nhiên để xây dựng nhà tù này nhằm đày ải tù nhân đến mức cùng cực nhất về tinh thần và thể xác. Bên trên dãy xà lim không có lối đi như Chuồng Cọp Pháp, được lợp mái tôn xi-măng rất thấp. Bên ngoài là bếp, trạm xá, kho, khu nhà ở của đội trật tự và văn phòng của Trưởng trại.
Khác với cách thiết kế, xây dựng của thực dân Pháp (rộng rãi, có hành lang thoáng). Trại Phú Bình nhìn bề ngoài khá bình thường không mấy đặc biệt nhưng vô cùng thực dụng rất đơn giản mà hiệu quả. Thiết kế đánh ngay vào tâm lý con người. (Nhà thiết kế nhà tù tự vỗ ngực tuyên bố, nếu bị giam ở đây chỉ có điên và chết). Người Mỹ xây dựng các khu giống nhau, chiều rộng tối đa giữa các dãy phòng giam chỉ 1m, rất chật chội. Phòng giam nằm sát nhau và không hề có giường và nhà vệ sinh. Đến bệ nằm như của nhà giam Pháp cũng không có, đêm về người tù phải nằm trên nền xi măng lạnh giá ẩm thấp, khí đất xông lên. Mỗi phòng giam chưa đến 5m², chỉ được đặt một thùng gỗ nhỏ cho tù nhân đại, tiểu tiện, có thời điểm mỗi phòng giam từ 8 đến 10 người, các thùng gỗ này đến vài tuần không được cho đổ, phòng giam không khác nào nhà vệ sinh bẩn thỉu hôi thối nhằm tra tấn tinh thần những người tù cộng sản. Ban ngày trời nắng hắt xuống nóng như thiêu như đốt, mùi ô uế xông lên. Trật tự nhà tù thường mở cửa sắt để kiểm tra từng phòng rồi đóng thật mạnh, tiếng kêu “Rầm” dội lên tai nhức óc. Hiện tại vẫn còn dấu tích vết máu trong một số phòng giam.
Câu chuyện cuối cùng kết thúc hơn 100 năm tù đầy tại Côn Đảo
Trại tù Phú Bình là trung tâm phong trào đấu tranh của tù chính trị tai Côn Đảo trong giai đọan từ năm 1973 đến năm 1975, đặc biệt ở trại 7 khu H là nơi tập trung giam giữ nhiều tù chính trị nhất. Đây cũng là nơi đầu tiên được biết tin Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng vào ngày 30/4/1975.
Khi hay tin Sài Gòn giải phóng, chúa đảo cùng cố vấn Mỹ và các tên cai ngục đã nhanh chóng chạy thoát bằng trực thăng, cano để đến chiến hạm của Mỹ đã chờ sẵn ngoài biển. Những người tù nghe thấy tiếng trực thăng đến và đi liên tục, họ đang tự hỏi không biết đang xảy ra chuyện gì. Tất cả đều nghĩ rằng cai ngục đang chuẩn bị triển khai một cuộc tra tấn, đàn áp mới. Cho đến giữa đêm ngày 30/4/1975 tại phòng giam số 24 khu H của trại 7 – nơi giam giữ những người tù lãnh đạo, Giám thị Đại úy Kiều Văn Dậu người có cảm tình với cách mạng cùng với linh mục Phạm Gia Thụy đến báo tình hình bên ngoài Côn Đảo. Họ mời các tù nhân chính trị cùng bàn bạc cách giải phóng Côn Đảo nhưng những người tù chính trị hoàn toàn không tin và sợ bị mang đi thủ tiêu. Để lấy lòng tin những người tù cộng sản, Đại úy Kiều Văn Dậu và giám thị Nguyễn Văn Trương đưa cho những người tù chiếc radio để họ tự bắt sóng Đài phát thanh Giải phóng và nghe tin tức chính xác nhất về tình hình giải phóng Sài Gòn. Sau khi biết chính xác tình hình thực tế, những lãnh đạo tù chính trị đã ngay lập tức chỉ đảo mở khóa các tù giam lúc 1 giờ sáng ngày 1/5/1975. Đến 8 giờ 30 sáng ngày 1/5/1975 những người tù chính trị đã hoàn toàn giải phóng Côn Đảo chấm dứt hơn trăm năm cảnh “địa ngục trần gian”.
Trại tù Phú Bình, Côn Đảo là nơi chứng kiến sự kết thúc hơn 100 năm địa ngục trần gian Côn Đảo. Thời gian đã trôi qua thấm thoát nửa thế kỷ, nhưng tất cả ký ức từ những ngày tháng oai hùng đứng lên chống lại xiềng xích đế quốc thực dân của những người tù chính trị yêu nước sẽ còn được khắc ghi. Ngày nay, nơi đây trở thành điểm đến thu hút các đoàn khách đi tour du lịch Côn Đảo muốn tìm hiểu về lịch sử Côn Đảo nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung qua các thời kỳ và thấu hiểu những nỗi đau mà thế hệ đi trước phải chịu đựng để đổi lấy nền hòa bình ngày hôm nay.
Ảnh và bài: Kỳ Nghỉ Đông Dương