Trại Giam Phú Hải Nhà tù cổ nhất Côn Đảo (2024)
Trại Giam Phú Hải – Nhà tù cổ và lớn nhất tại Côn Đảo tọa lạc trên đường Lê Văn Việt thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà giam này thuộc hệ thống các trại tù khổ sai được nhắc tới như “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo do thực dân Pháp và sau đó là chính quyền Sài Gòn cũ xây để bỏ tù các chiến sĩ cách mạng, nhà yêu nước Việt Nam trong các thời kì đấu tranh của dân tộc. Cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương khám phá Tour Côn Đảo với nhà tù Phú Hải nhé!
Tour Côn Đảo từ Hà Nội Giá Rẻ Du lịch Côn Đảo 2024
Lịch sử nhà tù cổ nhất Côn Đảo
Cỏng chính trại giam Phú Hải
Được xây từ năm 1862 và nâng cấp hoàn chỉnh từ năm 1889 đến năm 1896. Tên đầu tiên của trại là Bange 1. Sau đó được đổi thành Lao 2, Trại Cộng hòa, trại 2 và tên cuối cùng (tháng 11/1974) là trung tâm cải huấn - trại Phú Hải. Sau Hiệp định Paris năm 1973, để âm mưu ém dấu tù chính trị không trao trả, chính quyền Sài Gòn cũ cho đổi tên gọi tất cả các trại giam ở Côn Đảo, mỗi trại đều được ghép với chữ Phú và hệ thống nhà tù Côn Đảo trực thuộc Trung Tâm Cải Huấn Phú Hải.
Ngày 28/11/1861, quân Pháp chiếm Côn Đảo. Tháng 1/1862, Thống Đốc Bonard ở Nam Kỳ quyết định cho thành lập khu giam cầm tại Côn Đảo, họ cho xây dựng một dãy nhà ngục được làm tạm bằng vách đất, mái tranh. Đầu tháng 3/1862, Chính quyền thực dân bắt 50 tù nhân có án từ 1 đến 10 năm đưa ra Côn Đảo. Tháng 6/1862, 50 tù nhân đã kết hợp với hơn 100 quan lính triều Nguyễn làm cuộc khởi nghĩa nổi dậy đốt phá trại giam, đánh đuổi những tên cai ngục Pháp phải bỏ chạy về đất liền. Những ngày sau đó, vì không tìm được cách rời khỏi đảo, nên những tù nhân và binh lính đã bị quân Pháp cho thông hạm Norazaray đến Côn Đảo tàn sát, họ giết chết hơn 100 người và bắt sống 20 tù nhân. Họ buộc 20 tù nhân này phải mang hơn 100 xác chết lên trên một đồi cát chôn chung một mồ, sau đó họ chôn sống luôn 20 tù nhân ở đó (di tích bãi sọ người). Sau đó thực dân Pháp có kế hoạch cho xây dựng một nhà ngục kiên cố với tổng diện tích là 12.015 m2 có tường dày bao bọc bên ngoài.
Năm 1896, Nhà tù đã xây dựng xong 2 dãy nhà giam đối diện nhau, mỗi dãy 5 buồng giam (đánh số thứ tự từ trái sang phải 1 đến 10), cuối sân tù, đường nối giữa hai dãy nhà giam có 20 hầm đá (còn gọi là xà lim). Đi đến cuối dãy nhà giam phía bên trái còn có một phòng giam “ tù đặc biệt”. Kế đó là “hầm xay lúa”, vừa là nơi khổ sai xay lúa, vừa là nơi đày ải trừng phạt tù nhân. Ở góc cuối bên phải quân Pháp dựng thêm một khu đất trống dùng để bắt tù nhân đập đá. Đây cũng là nơi dành cho những tù nhân bị ghép vào thành phần nguy hiểm.
Hàng ngày cai ngục đưa tù nhân đi làm các công việc khổ sai, chiều tối bắt tù nhân phải cởi hết quần áo cho cai ngục khám xét, trước khi vào phòng giam và cứ trần truồng mà ngủ. Các tù nhân phải làm những công việc khổ sai như: xuống biển mò lấy san hô mang lên nung thành vôi bột, đến việc lên rừng khai thác đá, khéo gỗ, dọn tàu…
Sang thời Chính quyền Sài Gòn cũ, để đánh lừa dư luận, Chính quyền cho xây dựng: nhà nguyện, giảng đường, câu lạc bộ , nhà ăn, phòng cắt tóc….và cải tạo “hầm xay lúa” thành phòng chữa bệnh. Sân trại còn được trồng hoa cây cảnh như một công viên. Đây là một công trình vừa mang tính hình thức để đối phó với dư luận vừa dùng để mua chuộc dụ dỗ tù chính trị ly khai, tố cộng…
Có thể nói, tất cả các lớp tù từ thời Cần Vương Phong kiến nhà Nguyễn, thời cách mạng Việt Minh chống thực dân Pháp đến thời Chế độ Sài Gòn những tù nhân yêu nước đều chịu những hình phạt vô cùng hà khắc nơi đây.
Các phòng giam nổi tiếng
Phòng số 6: Hay gọi là phòng chết điển hình: thời chính quyền Sài Gòn cũ đây là nơi khởi đầu cuộc chiến tranh chống ly khai đảng cộng sản của tù chính trị câu lưu (không án); ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo. Cai ngục đã ra sức đàn áp dã man những người tù chính trị để thực hiện âm mưu phân hóa giữa cộng sản và kháng chiến. Nên rất nhiều tù chính trị đã hi sinh tại đây.
Dãy nhà giam
Phòng số 7: đây là nơi chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo ra đời cuối năm 1932 tại Bange 1, sau phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân với sự đóng góp xuất sắc của Nguyễn Hới, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Trần Quan Tặng, Nguyễn Chí Diểu, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh…..
Phòng số 9: Nơi đây từng giam giữ Tôn Đức Thắng, Võ Sỹ, Võ Thúc Đồng,…. Đây là nơi xuất bản tạp chí “Ý Kiến Chung” cơ quan ngôn luận của những người tù cộng sản tại Côn Đảo. Người tù nổi tiếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng khi bị bắt ra Côn Đảo đã bị nhốt tại phòng giam này (2/7/1930).
Phòng số 10: Thời chính quyền Sài Gòn cũ vào năm 1958 trong đợt chống học tập tố cộng cai ngục đã đàn áp dã man 175 người tù chính trị nhằm khuất phục những người tù này bỏ lí tưởng cộng sản để về chính nghĩa quốc gia, nhưng âm mưu đã thất bại hoàn toàn.
Nhà giam đặc biệt
Phòng giam tù đặc biệt: Tại nhà tù Phú Hải còn có 1 phòng giam đặc biệt phía sau câu lạc bộ chuyên dành cho tù nhân cũng rất “đặc biệt” là những cán bộ cấp cao của cộng sản như: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Ngô Gia Tự... Thời Pháp là nơi giam giữ 46 người tù có án tử hình đầu tiên.
Đến năm 1957, Chính quyền Sài Gòn cũ đã đưa ra 41 phụ nữ chống ly khai, tố cộng (đã có tiền án từ các nhà lao ở đất liền đưa ra Côn Đảo. Sau đó năm 1958 – 1960, chính quyền Sài Gòn cũ tăng cường đàn áp tù nhân cộng sản bắt bỏ đảng theo quốc gia.
Hầm xay lúa: Thời thực dân Pháp đây là một căn phòng xây tường đá bao quanh, ở trên có một lớp trần làm bằng vải đen, bao tời. Chỉ có duy nhất 1 cửa ra vào, không có cửa sổ. Bên trong có 5 cối xay được làm bằng vỏ thùng rượu vang cưa đôi nén đầy đất sét bên trong. Mỗi cối xay phải có từ 4 đến 6 tù nhân mới kéo nổi. Từ công việc kéo cối xay, vác lúa gạo…..người tù làm khổ sai ở đây còn phải chịu thêm cực hình nữa là hai người bị xích chung một sợi dây xích có lê theo một quả tạ (quả tạ nặng trung bình từ 3-7kg).
Hầm xay lúa
Sang thời chính quyền Sài Gòn cũ, để đánh lừa dư luận chính quyền cho phá bỏ cối xay và chuyển thành bệnh xá. Bệnh xá chỉ là tên gọi mỹ miều nhưng thực chất là nhà xác. Tù nhân được chuyển đến đây để nằm chờ chết. Người tù không được phát thuốc đúng bệnh, bất kể bệng gì cũng phát thuốc ký ninh (thuốc trị bệnh sốt rét).
Khu xà lim: gồm 20 khu hầm đá. Cai ngục sử dụng những xà lim này để giam biệt lập những người tù bị ghép vào thành phần nguy hiểm, chống đối...hay những người vượt ngục bị bắt lại. Những tù nhân này bị cùm chân 24/24. Trong 10 ngày đầu bị phạt ở xà lim người tù phải ăn cơm nhạt, uống nước lã (mặc dù thức ăn ở nhà tù Côn Đảo chỉ là khô, tương, mắm...để lâu ngày bị mục đắng, ôi chua...)
Hầm cao 2m được xây bằng đã có hình vòm, mùa đông hơi đá toả ra lạnh thấu xương, mùa hè nắng nóng ngột ngạt. Cửa xà lim bằng sắt dày, lúc đóng cửa tiếng “rầm” to như tra tấn, chỉ được hé vội một chút khi cai ngục mang cơm đến, hay dội cho một thùng nước vào buổi sáng cuối tuần (gọi là được tắm). Người tù tại đây nếu ra khỏi khu này cũng thân tàn ma dại.
Khu đập đá khổ sai: nơi chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh cảm tác nên bài “Đập đá Côn Lôn”: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non…/Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể sự con con.
Câu chuyện cảm động về những người tù khổ sai
Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Biết đồng chí Tôn Đức Thắng là một thợ sửa máy lành nghề, quân Pháp đưa đến làm việc tại Sở Lưới chuyên sửa canô. Năm 1945, chiếc canô do bác Tôn sửa mang tên Giải Phóng được chính Bác cầm lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo cách mạng trở về đất liền.
Câu chuyện vượt ngục tại phòng giam số 3
Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên trong lịch sử nhà tù Côn Đảo. Đây là phòng giam cho tử tù được canh gác nghiêm ngặt nhất. Để thực hiện vượt ngục, đồng chí Lê Văn Việt, Trung đội trưởng 5F100 biệt động Sài Gòn - Gia Định cùng 2 bạn tử tù là đồng chí Lê Hồng Tư và Phạm Văn Dẫu gồng gánh nhau lên trên mái nhà, quan sát hành động của cai ngục. Biết mỗi ngày có từ 5 đến 10 phút không có người canh gác do cai ngục đổi ca, các đồng chí đã tranh thủ chớp lấy thời cơ này để vượt ngục vào đêm 12/10/1966. Vượt ngục thành công mỗi tù nhân chia theo nhiều hướng ẩn náu tìm cách quay về đất liền. Nhưng trong quá trình ẩn náu, 3 tử tù đã bị bắt lại họ bị tra tấn dã man rồi hi sinh và được trôn tại nghĩa trang Hàng Dương. Sau cuộc vượt ngục này, cai tù phải cho giăng dây thép gai tất cả phòng giam tại Trại Phú Hải.
Trại tù Phú Hải, Côn Đảo đã trải qua hơn 100 năm với nhiều thăng trầm lịch sử chứng kiến các cuộc đấu tranh kiên cường của những người yêu nước Việt Nam trong ngục tù thực dân đế quốc. Ngày nay, nơi đây trở thành điểm đến thu hút các đoàn khách du lịch đi tour Côn Đảo giá rẻ muốn tìm hiểu về lịch sử Côn Đảo nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung qua các thời kỳ và thấu hiểu những nỗi đau mà thế hệ đi trước phải chịu đựng để đổi lấy nền hòa bình ngày hôm nay.
(Nguồn ảnh: Kỳ Nghỉ Đông Dương và các nguồn sưu tầm khác. Nếu bạn là tác giả ảnh, vui lòng liên hệ với website chúng tôi. Xin cảm ơn!)