Thác Bản Giốc Cao Bằng - Tuyệt tác thiên nhiên 2024
Hành trình du lịch Thác Bản Giốc sẽ đưa bạn đến với tuyệt tác của thiên nhiên giữa đất trời Cao Bằng. Mỗi dịp cuối tuần, du khách lại đi Tour Thác Bản Giốc để 'xả stress', tránh xa chốn phố thị xô bồ. Vậy thác Bản Giốc có gì đẹp? Xung quang thác có gì tham quan? Còn hoạt động gì vui chơi khi đến đây không? Hãy cùng chúng tôi tham khảo qua bài viết này nhé!
Tour Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể 3N2Đ Giá Rẻ Dv Tốt 2024
Tour Hồ Ba Bể 2 Ngày 1 Đêm Du lịch Bắc Kạn
Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc - Thái Nguyên 2 Ngày 2 Đêm
Tour Đông Bắc 5N4Đ - Hà Giang - Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể
Tour Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc 3 ngày 2 đêm
Đến Thác Bản Giốc như nào?
Thác Bản Giốc Cao Bằng
Vài nét về Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là một trong những thác nước nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà còn được bạn bè quốc tế biết đến. Nằm trong top 4 thác nước xuyên quốc gia lớn nhất trên toàn thế giới, địa điểm này ngày càng thu hút được rất nhiều khách du lịch Cao Bằng đến chiêm ngưỡng.
Thác nằm giữa biên giới Việt – Trung nên có 2 tên. Nếu nhìn từ chân thác thì có 2 phần thác bên trái (gọi là thác phụ) và phần thác bên phải (gọi là thác chính). Thác phụ và một nửa thác chính bên tay trái thuộc về chủ quyền Việt Nam. Nửa còn lại bên phải của thác chính thuộc về Trung Quốc.
- Việt Nam gọi thác phụ là thác Cao, thác chính là thác Thấp nhưng gộp cả 2 phần thác thì gọi chung địa danh này là thác Bản Giốc.
- Phía Trung Quốc lại chia thành 2 thác riêng. Thác chính là thác Đức Thiên còn thác phụ là thác Bản Ước.
Cột mốc thác Bản Giốc phía Việt Nam
Một trong những điều tạo nên vẻ đẹp của thác Bản Giốc là ở phần thác chính, thác không chảy thẳng 1 dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang, khiến nước sông Quây Sơn chảy qua đây chia tách thành nhiều dải, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng, xen giữa màu xanh cây lá.
Thác Bản Giốc trong mùa khô nhìn từ cột mốc Trung Quốc
Mùa nào đi thác Bản Giốc hợp nhất?
Cũng bởi nằm ở địa đầu tổ quốc, với địa hình đón gió nên khí hậu ở thác Bản Giốc Cao Bằng được phân chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, thác Bản Giốc lại đón những cơn mưa rào, khiến dòng nước chảy càng ồ ạt, xiết mạnh đổ xuống tung bọt trắng xóa. Nhiều người cho rằng đây chính khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm nhìn vẻ đẹp và cảm nhận sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên. Tuy nhiên, với những khách du lịch thác Bản Giốc không hào hứng với những cơn mưa, thì từ khoảng tháng 9 trở đi là lúc thác Bản Giốc bước vào mùa thu và khô ráo nhất. Bầu trời trong xanh và khí hậu lúc này vô cùng mát mẻ. Điều đặc biệt nhất là bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng dòng sông Quây Sơn khi ấy sóng sánh một màu xanh ngọc - một tuyệt tác từ bàn tay của mẹ thiên nhiên.
Thác Bản Giốc và mùa lúa chín
Mùa khô thác Bản Giốc Cao Bằng bắt đầu từ những ngày tháng 10 và kéo dài đến tận tháng 5 năm sau. Khung cảnh Bản Giốc vốn dĩ thanh bình nay còn yên bình và tĩnh lặng. Bức tranh thiên nhiên ngập tràn sắc xanh trong mát mẻ nay đã hòa cùng màu vàng ươm của lúa chín, tạo nên một khung cảnh chẳng thể lãng mạn hơn. Vào mùa khô, dòng nước chảy không xiết và mạnh như tầm tháng 6, thay vào đó là một vẻ trầm mặc, an nhiên hơn. Phia xa xa, những ruộng lúa chín, ngả nghiêng theo từng làn gió mát rượi. Tất cả đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên muôn màu, sống động nhưng cũng vô cùng yên bình nơi đây. Đây cũng là lý do mà mỗi cuối tuần, Cao Bằng lại đón những vị khách đi tour Thác Bản Giốc từ Hà Nội đến nghỉ ngơi, “xả stress” sau một tuần làm việc mệt mỏi.
Amazing New Life (Thác Bản Giốc hùng vĩ đẹp như tranh vẽ - Flycam 4K)
Xung quanh Thác Bản Giốc có gì tham quan?
1. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chỉ cách thác Bản Giốc chừng 500m chính là chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. Ở đây thờ vị anh hùng Nùng Chí Cao – một nhân vật lịch sử, biểu tượng văn hóa thế kỷ 11. Ngoài cầu bình an, ngắm cảnh chùa thì đây cũng là nơi nhìn được ra thác chính thác Bản Giốc, “cho ra lò” những bức hình cực đẹp.
2. Hồ Thang Hen
Bên cạnh Thác Bản Giốc, khi đi du lịch Cao Bằng bạn có thể sắp xếp thời gian để đến tham quan Hồ Thang Hen. Đây là hồ nước nằm ở trên núi thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Hồ có hình thoi rất độc đáo, nằm giữa lòng núi rừng Đông Bắc. Bao quanh hồ là rừng cây mọc các núi đá, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Hồ Thang Hen
Du khách có thể thấy được hình ảnh của những vách núi, tán cây in xuống mặt hồ, tựa như chiếc gương khổng lồ đang soi bóng vẻ đẹp hoang sơ của hồ Thang Hen. Ngược lên đầu nguồn bạn sẽ bắt gặp một hang nước khá rộng, nước từ trong hang chảy ngày đêm, lắng tai nghe có thể cảm nhận được tiếng róc rách của suối nhỏ hòa cùng tiếng chim hót vô cùng yên bình.
Hồ Thang Hen luôn giữ được màu xanh ngọc bích rất đẹp, dù là mùa mưa nước cuốn trôi mang phù sa từ đầu nguồn đổ về. Do đó, đến tham quan địa điểm du lịch tuyệt vời này vào thời điểm nào thì bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoàn mỹ nhất.
3. Di tích cách mạng Pác Bó - suối Lê Nin
Suối Lê-Nin ở khu di tích Pác Bó
Cao Bằng là một trong những cứ địa quan trọng trong thời kỳ kháng chiến, là phần ‘Cao’ trong cụm địa danh Việt Bắc ‘Cao – Bắc – Lạng – Hà – Tuyên – Thái’ nổi tiếng. Theo hành trình du lịch thác Bản Giốc 3 ngày 2 đêm đến đây, đừng bỏ lỡ di tích hang Pác Bó và suối Lê Nin nhé. Địa điểm này thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng của Cao Bằng. Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã từng làm việc, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại cứ địa này.
Khách du lịch có thể tham quan một số di tích như hang Cốc Bó nơi Bác sống và làm việc, nhà tưởng niệm Bác, hang Bo Bam, hang Lũng Lạn và hang Ngườm Vài, lán Khuổi Nặm, núi Các Mác, suối Nậm, suối Lê Nin…. Hướng dẫn viên du lịch tại đây sẽ giới thiệu chi tiết cho bạn ý nghĩa quan trọng của những di tích này và ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ kháng chiến.
4. Tham quan động Ngườm Ngao
Những khối thạch nhũ trong động Ngườm Ngao
Sau khi đã đặt tour Cao Bằng, du khách có thể đến thăm Động Ngườm Ngao, tọa tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đi từ Thác Bản Giốc đến động chỉ khoảng 3km, bạn chỉ mất khoảng vài phút đi xe.
Cái tên động Ngườm Ngao được đặt theo tiếng dân tộc Tày, Ngườm có nghĩa là hang động, Ngao là hổ dịch nghĩa là Hang Hổ. Động này có chiều dài hơn 2000m với ba cửa là Ngườm Ngao, Bản Thuôn và Ngườm Lồm. Đi sâu vào trong động bạn sẽ thấy được vẻ đẹp huyền bí của những lớp thạch nhũ với nhiều hình thù khác nhau óng ánh. Bên cạnh đó các dải nhũ đá mọc ra từ trên cao, từ dưới lên tạo nên sự kỳ thú, độc đáo. Đến đây tham quan du khách đừng quên check in để có được những bức hình đẹp nhất trong chuyến đi.
5. Tham quan làng Phúc Sen
Làng rèn dao Phúc Sen
Địa điểm này được biết đến là khu du lịch sinh thái thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Yên, Cao Bằng, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Nùng An, với nghề rèn được truyền từ đời này qua đời khác. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho làng rèn Phúc Sen trở thành địa điểm tham quan lý thú khi đến với Cao Bằng.
Khách du lịch có thể đi bộ quanh làng, nhìn ngắm những sản phẩm do chính bàn tay người thợ nơi đây tạo ra. Hơn nữa, bạn còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà, trang phục dân tộc, lối sống sinh hoạt của người dân bản địa. Lượng du khách đến đây ngày càng tăng điều đó giúp cho đời sống người dân được nâng cao đáng kể. Nhận thấy điều đó, chính quyền địa phương cũng đã khai thác thêm nhiều nét văn hóa đẹp của đồng bào Nùng để giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước.
6. Khám phá đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục nằm giữa huyện Trà Lĩnh và Hòa An, đây là con đèo đẹp nhất từ Phổ Lũng đến cửa khẩu Tà Nùng. Để đến được đỉnh đèo du khách phải đi qua 7 vòng dốc, đường đi hẹp, quanh co. Tuy nhiên trong các tour Cao Bằng, tài xế quen thuộc cung đường sẽ giúp khách du lịch di chuyển một cách an toàn nhất. Ngồi trên xe bạn sẽ được tận hưởng khung cảnh núi rừng từ trên cao, rất hùng vĩ và trong lành.
Đặc sản Cao Bằng có gì ngon?
Đi tour Thác Bản Giốc Cao Bằng chắc chắn không thể chỉ có ngắm cảnh mà còn để đi thưởng thức những món Đặc sản Cao Bằng nổi tiếng. Dưới đây là một số món ngon bạn có thể thử khi đến đây:
Cá trầm hương nướng
Người ta nói, đến thác Bản Giốc Cao Bằng mà chưa thưởng thức cá trầm hương thì chưa phải đến Cao Bằng. Trước đây, dưới chân thác Bản Giốc có chứa rất nhiều cá trầm hương, tuy nhiên vì độ nổi tiếng của loại cá này mà giờ đây, cá trong hồ ngày càng ít đi và trở nên khan hiếm. Khi ăn món đặc sản này, thực khách sẽ còn cảm nhận được hương vị trầm hương phảng phất trong từng thớ thịt. Những con cá trầm hương thường ăn những lá cây mục và rễ cây trầm hương mọc ven hồ, bơi lội dưới dòng thác xiết nên thịt vừa chắc vừa thơm ngon. Người dân nơi đây thường đánh bắt trực tiếp từ sông, sơ chế cho sạch bên trong rồi nhét thêm một vài loại rau cùng gia vị, bọc lại bằng lá chuối rồi nướng trên bếp than. Cá chín có mùi thơm ngon nức mũi, khiến cho những vị khách khó tính nhất cũng phải xiêu lòng.
Vịt quay 7 vị
Khác với hương vị vịt quay dưới xuôi, vịt quay 7 vị được tẩm ướp bằng 7 thứ gia vị truyền thống khác nhau sẽ khiến khách đi tour Cao Bằng phải trầm trồ. Người Tày ở Cao Bằng có cách chế biến vịt quay lạ và rất riêng, chẳng giống với bất kỳ nơi nào. Đầu tiên, người ta hòa 7 loại gia vị truyền thống, rồi rót từ từ vào trong bụng vịt, khâu lại khéo léo bằng một chiếc lạt tre chuốt nhọn để đảm bảo nước không chảy ra ngoài trong quá trình quay thịt. Tiếp đến, những con vịt được thổi phồng, rưới đều bên ngoài da một lớp mật ong bóng bẩy rồi cho vịt lên than hoa nướng. Vịt chín đều có màu vàng giòn, đẹp mắt, bóng bẩy thơm mùi mật ong. Khám phá bên trong, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt kết hợp từ 7 loại gia vị khác nhau, cho món vịt quay thêm bội phần hấp dẫn.
Bánh khảo
Đây là một trong những món bánh được nhiều khách du lịch yêu thích nhất khi du lịch Cao Bằng. Nguyên liệu để làm ra những chiếc bánh khảo không khó tìm, đó là: gạo nếp, lạc, vừng, mỡ lợn cùng đường phèn. Khi ăn, du khách có thể cảm nhận được lớp vỏ bên ngoài thơm vị bột nếp, vị thơm bùi của lạc, vị ngọt thanh của đường phèn và một chút beo béo của mỡ lợn. Đặc biệt, bánh khảo có thể bảo quản trong nhiều tháng nên rất thích hợp làm món quà quý dành tặng người thân sau chuyến du lịch thác Bản Giốc.
Bánh trứng kiến
Vào mùa khô, đặc biệt là khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, người dân tộc Tày lại vào rừng lấy trứng kiến đen về làm bánh. Món bánh trứng kiến lấy nguyên liệu từ bột nếp, lá non của cây vả và trứng kiến đen - một loại trứng béo, mẩy và giàu hàm lượng đạm. Không phải cứ trứng kiến là có thể làm ra món bánh trứng kiến Cao Bằng, phải là trứng kiến từ kiến đen - một loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn hoắt thường tìm thấy ở trong rừng mới chuẩn vị. Cứ một tổ kiến to, người ta có thể thu về được vài ba chén trứng ngon. Bánh trứng kiến có hương vị rất lạ, lớp bên ngoài là bột nếp mềm dẻo, bên trong thơm thơm mùi lá vả và đặc biệt là hương vị béo ngậy của trứng kiến.
Trong chuyến đi du lịch về với vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa dân tộc đặc sắc như Cao Bằng, ngoài Thác Bản Giốc bạn có thể khám phá một số địa điểm du lịch nổi tiếng trên. Chắc chắn hành trình tour Thác Bản Giốc sẽ giúp bạn có được những kỉ niệm đáng nhớ. Đừng quên check-in để giới thiệu với bạn bè, người thân về chuyến đi của mình nhé! Hy vọng với thông tin trên đây, bạn sẽ có một chuyến đi vui vẻ và bổ ích!
(Nguồn ảnh: Kỳ Nghỉ Đông Dương và các nguồn sưu tầm khác. Nếu bạn là tác giả ảnh, vui lòng liên hệ với website chúng tôi. Xin cảm ơn!)