Phố cổ Kiến Thủy 2024 - Thành cổ xưa cũ biên giới Vân Nam
Phố cổ Kiến Thủy (建水古城/Jianshui Ancient Town) là nơi khách Du lịch Kiến Thủy sẽ được trải nghiệm không khí đậm chất Trung Hoa cổ xưa. Ở đây có gì đặc biệt? Đến đây như thế nào? Cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương tìm hiểu trước khi chọn một Tour Hà Khẩu Bình Biên Kiến Thủy tới đây nhé!
Tour Hà Khẩu Bình Biên Mông Tự Kiến Thủy KH Hàng Ngày 2024 Mới Lạ
Tour Hà Khẩu Mông Tự Kiến Thủy Di Lặc Giá rẻ 2024 Mới Lạ
Tour Móng Cái Đông Hưng từ Hà Nội 2024 Mới Lạ
Tour Nam Ninh từ Hà Nội Giá Rẻ Du Lịch Thái Bình Cổ Trấn 2024
Phố cổ Kiến Thủy ở đâu?
Phố cổ Kiến Thủy (Thành cổ Kiến Thủy / 建水古城 / Jianshui Gucheng / Jianshui Ancient Town) hay thành cổ Kiến Thủy là địa danh thuộc thị trấn Lâm An, huyện Kiến Thủy, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Đến Phố cổ Kiến Thủy như nào?
Tỉnh Vân Nam có thủ phủ là thành phố Côn Minh và thành cổ Kiến Thủy này cách đó chỉ tầm 220km. Vậy nên nếu đang ở Côn Minh, bạn có thể đến đây bằng xe bus hoặc tàu hỏa.
Tuy nhiên nếu đi từ Việt Nam và không có ý định đi Tour Trung Quốc vào các thành phố sâu trong nội địa Trung Quốc tại Vân Nam như Lệ Giang, Đại Lý thì bạn không cần thiết phải đi từ Côn Minh.
Đến Kiến Thủy bạn chỉ cần làm sổ thông hành và đi qua cửa khẩu Lào Cai mà thôi
Ngoài ra, nếu đi sâu vào Côn Minh thì bạn cần làm Visa Trung Quốc, còn nếu chỉ dừng tới Kiến Thủy hoặc Mông Tự, Di Lặc… thì chỉ làm sổ thông hành mà thôi. Chi phí và thời gian đợi hoàn thành hồ sơ xuất cảnh cũng nhanh hơn so với phải làm visa rất nhiều.
Cách di chuyển từ Hà Nội tới Kiến Thủy mời bạn tham khảo trong bài viết về Kinh nghiệm du lịch Kiến Thủy mà Kỳ Nghỉ Đông Dương chúng mình đã viết nhé!
Thành cổ Kiến Thủy có lịch sử như nào?
Huyện Kiến Thủy nói chung và thành cổ Kiến Thủy nói riêng đã có tuổi đời hơn 1180 năm. Địa điểm này từ xa xưa được gọi là Bộ Đầu hoặc Vân Ba Điện. Tới thời nhà Đường (năm 618 – 907) gọi là Trúc Thành hay Huệ Lịch Thành (惠历城). “Huệ Lịch” trong ngôn ngữ người Di cổ xưa (người Việt là dân tộc Lô Lô) nghĩa là “biển lớn” vì nơi đây mùa mưa thường có nước dâng cao, tràn vào thành như biển. Tiếng Hán dịch là “Kiến Thủy”.
Sang nhà Nguyên (1271 – 1368) nơi này được đổi thành châu Kiến Thủy, thuộc đường Lâm An (临安) rồi tới triều đại nhà Minh (1368 – 1644) vẫn là châu Kiến Thủy nhưng đổi đường Lâm An thành phủ Lâm An.
Thời Càn Long nhà Thanh (1735 – 1796) gọi là huyện Kiến Thủy. Sang những năm Trung Hoa Dân Quốc lại gọi là huyện Lâm An, rồi lại đổi lại thành huyện Kiến Thủy và giữ cái tên đó đến ngày nay.
Cùng với cái tên, lịch sử thành phố cổ này cũng trải qua những năm tháng thăng trầm. Trong thời cổ đại, khi vẫn còn cái tên đường Lâm An, thành trì bị chiến tranh, thời tiết phá hủy phần lớn. Nhà Đường đã trùng tu, phục hồi lại. Dù có phần hư hỏng nhưng tới nay may mắn là Kiến Thủy vẫn được bảo tồn khá tốt, trở thành một trong những thành cổ đẹp nhất của Vân Nam.
Tại Vân Nam khi xưa có tới một nửa số người đỗ các kỳ khoa cử xuất thân từ phủ Lâm An nên Kiến Thủy xưa nay còn được biết tới là nơi coi trọng giáo dục, được xưng tụng là “Văn Hiến Danh Bang”. Trong thời nhà Thanh đã có tới 4 thư viện được xây dựng tại đây, đương thời gọi là “Lâm Bán Bảng”.
Thành cổ Kiến Thủy ngày nay đã trở thành thành phố lịch sử và văn hóa của quốc gia, bảo tồn hơn 50 tòa nhà cổ, giúp nơi này mang danh là “bảo tàng kiến trúc cổ” hay “bảo tàng dân cư”.
Phố cổ Kiến Thủy Vân Nam có gì tham quan?
Nhiều khách Du lịch Trung Quốc nghĩ Vân Nam chỉ có phố cổ Lệ Giang là đẹp nhất mà chưa biết tới phố cổ Kiến Thủy. Mỗi nơi đều có một nét đẹp riêng nhưng nếu muốn tìm một nơi vắng vẻ, chưa có quá nhiều người biết tới và không phải đi xa, dài ngày, phải làm visa như hành trình Lệ Giang thì Kiến Thủy là nơi không thể bỏ qua.
Phố cổ Kiến Thủy là khu thắng cảnh mở cửa miễn phí cho công chúng nhưng một số di tích văn hóa, lịch sử quan trọng cần bảo tồn thì sẽ tính phí như Chu Gia Hoa Viên - 35 tệ (~115.000đ), lầu Triều Dương – 13 tệ (42.000đ)(tham quan bên ngoài thì miễn phí nhé!), Văn Miếu Kiến Thủy – 36 tệ (118.000đ) hoặc trụ sở phủ Lâm An – 16 tệ (52.000đ). Nếu không vào những địa điểm này thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến hành trình tham quan, tuy nhiên nếu có thể thì bạn vẫn nên đi để có trải nghiệm tốt nhất nhé!
Lầu Triều Dương
Trước khi bước chân vào khu phố cổ Kiến Thủy, bạn có thể bắt đầu hành trình bằng việc tham quan Lầu Triều Dương.
Xưa kia thành cổ Kiến Thủy có 4 cổng thành ở 4 phía: “Nghênh Huy Môn” (迎晖门) ở phía Đông, “Phụ An Môn” (阜安门) ở phía Nam, “Thanh Viễn Môn” (清远门) ở phía Tây và “Vĩnh Trinh Môn” (永贞门) ở phía Bắc. Thế nhưng trải qua nhiều cuộc chiến tranh và thời gian bào mòn, hiện chỉ còn “Nghênh Huy Môn” còn được bảo tồn.
Lầu Triều Dương (朝阳楼) là tòa kiến trúc được xây dựng tại Nghênh Huy Môn, được biết đến là một trong những biểu tượng của Kiến Thủy. Lầu Triều Dương được xây dựng lần đầu tiên vào thời Hồng Vũ nhà Minh, trải qua 600 năm với nhiều lần trùng tu, công trình này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tới ngày nay.
Nếu cảm thấy kiến trúc lầu Triều Dương có vẻ quen quen, đã thấy ở đâu rồi thì có thể bạn đã từng nhìn thấy Thiên An Môn ở Bắc Kinh rồi đó! Lầu Triều Dương thường được giới thiệu với khách du lịch dưới cái tên “Tiểu Thiên An Môn” vì tòa nhà ở Bắc Kinh đã nổi tiếng, được nhiều người biết tới hơn. Thế nhưng người dân Kiến Thủy lại không thích cách gọi này cho lắm bởi họ tự hào lầu Triều Dương chính là nguyên mẫu của Thiên An Môn.
Lầu Triều Dương được xây dựng vào năm thứ 22 thời Hồng Vũ (khoảng năm 1390), còn Thiên An Môn được xây vào năm thứ 15 thời Vĩnh Lạc (khoảng năm 1417), cách nhau gần 30 năm. Lý do cho sự giống nhau của 2 công trình này là vì người thiết kế và xây dựng là thầy trò.
Đường Lâm An
Bước qua cổng lầu Triều Dương, bạn sẽ bắt đầu hành trình khám phá phố cổ Kiến Thủy trên con đường đá Lâm An – trục đường chính của khu phố cổ này. Đường này thì không có quá nhiều cửa hàng bán gốm mà bạn mong đợi đâu!
Thay vào đó là các cửa hàng quần áo, giày dép, đồ điện tử khang trang, hiện đại. Tuy nhiên các cửa hàng này đều nằm ở tầng 1 của các tòa nhà cổ nên vẫn được trang trí hài hòa với kiến trúc tổng thể cả dãy phố.
Điều khiến khách Du lịch Kiến Thủy thích nhất ở đây chính là 2 hàng cây cổ thụ với tán lá dày phủ kín lối đi, khiến con đường như một đường hầm dài thật dài, cực kỳ mát mắt và nên thơ.
Đặc biệt, dọc đường này có khá nhiều hàng trà sữa, hàng nào cũng ngon hết vì Kiến Thủy có nhiều loại trà Ô Long, Phổ Nhĩ nổi tiếng. Hãy chọn cho mình một hàng và thử ngay bạn nhé!
Phố Hàn Lâm
Cứ đi dọc trục đường chính, bạn sẽ thấy cổng chào lớn với kiến trúc Trung Hoa cổ xưa để dẫn vào khu phố Hàn Lâm (翰林街). Con phố này dài hơn 600m, hai bên đường là các cửa hàng rượu, hàng đồ gốm tím Kiến Thủy, hàng đồ trang sức bạc, nhạc cụ, khắc chữ, tranh chữ cổ, quầy ăn vặt….nằm san sát nhau, khiến không gian nơi đây dù cổ kính nhưng không kém phần nhộn nhịp.
Cổng vào phố Hàn Lâm
Cũng vì con đường này có quá nhiều hàng bán gốm tím Kiến Thủy nên nhiều người nghĩ đây là phố Tử Đào (Phố gốm tím Kiến Thủy). Thật ra có con phố tên Tử Đào thật nhưng nó nằm cách khu phố cổ này chừng 3km và nếu đến đó vào buổi tối bạn sẽ không nghĩ đấy chỉ là phố gốm đâu.
Khi màn đêm buông xuống, cả con phố Tử Đào được chăng đèn kết hoa đầy màu sắc với nhiều hàng đồ nướng, trà sữa, quần áo, phụ kiện,…. chứ không chỉ riêng bán gốm. Vậy nên nhiều người chỉ biết đó là “Chợ đêm Kiến Thủy” mà không biết đó chính là con phố Tử Đào nổi tiếng.
Câu chuyện về con phố Tử Đào, mời bạn đọc riêng trong bài viết Chợ đêm Kiến Thủy nhé! Còn trong bài viết này, mời bạn tiếp tục quay lại với khu phố cổ Kiến Thủy.
Đường vào chợ đêm Kiến Thủy - phố Tử Đào
Chu Gia Hoa Viên
Với cổng vào nhỏ xinh nằm một góc trên con phố Hàn Lâm, nếu không đi sâu vào trong, bạn sẽ không biết Chu Gia Hoa Viên – hay Hoa viên nhà họ Chu – lớn đến mức nào. Xưa kia, nơi này còn được gọi là “Vườn ngắm cảnh lớn nơi biên giới Tây Nam” hay “vườn ngắm cảnh lớn nhất phía Nam tỉnh Vân Nam”.
Chu Gia Hoa Viên được xây dựng từ những năm 1870 và phải mất đến 30 năm mới hoàn thành (1910). Xưa kia đây là dinh thự nhà ở và từ đường của nhà họ Chu – một gia tộc thương nhân giàu có ở Kiến Thủy. Sau này được nhà nước tiếp quản, tu sửa và mở làm điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho công chúng.
Dinh thự này được lấy cảm hứng từ dinh thự xa hoa, lộng lẫy trong tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” lưu truyền từ đời nhà Thanh. Trong khu nhà này có tổng cộng 214 phòng và 42 khoảng sân. Gây ấn tượng nhất với du khách là khoảng sân chính với hồ nước lớn, xung quanh là các đình nghỉ chân cùng vô vàn loài cây cảnh xinh đẹp, mát mắt.
Giếng cổ
Trong phố cổ Kiến Thủy có vô số giếng nước lớn nhỏ. Xưa có câu nói rằng: “Muốn tìm thấy giếng trong khu vực phố Kiến Thủy, chỉ cần đi theo những giọt nước còn đương đọng trên mặt đất vào các con hẻm là thấy”. Thật vậy, Kiến Thủy có thể gọi là “bảo tàng giếng cổ” (古井博物馆) bởi bạn có thể bắt gặp những miệng giếng cổ ở khắp nơi trong khu phố cũ. Không phải ở phố cổ nào tại Trung Quốc bạn cũng có thể thấy.
Ngay cả trong các khoảng sân của Chu Gia Hoa Viên cũng có. Người ta nói năm đó Chu gia làm ăn phát đạt là nhờ nước ở đây, nên gọi là “nước phát tài phát lộc”, được dân chúng dùng để rửa tay lấy may.
Cầu Song Long
Dù không nằm trong khu phố cổ nhưng cầu Song Long cũng là một trong những biểu tượng xưa cũ đẹp nhất của Kiến Thủy. Cây cầu này chỉ cách phố cổ tầm 4 – 5km tùy tuyến đường di chuyển mà thôi nên bạn có thể tới tham quan nơi này nhanh chóng.
Cầu Song Long là một cây cầu lớn nằm trên dòng sông Lô Giang với 3 lầu gác, 17 lỗ vòm, cao 9m, rộng 3m và dài gần 150m. Đây là một trong những cây cầu cổ lớn và đẹp nhất, có giá trị lịch sử nhất Trung Quốc.
Cầu Song Long đẹp nhất là lúc hoàng hôn. Vậy nên bạn có thể lên kế hoạch tới đây sau khi tham quan và mua sắm thỏa thích trong phố cổ Kiến Thủy. Đối diện cầu có một ga tàu hỏa cũ. Tới đây bạn có thể chụp cho mình những “pô” ảnh đậm chất vintage đấy!
Ga tàu hỏa gần cầu Song Long
Sau khi tham quan Vườn Chu Gia, bạn có thể ghé khách sạn Lâm An (临安客栈) ngay gần đó để thưởng thức món bún qua cầu – đặc sản Vân Nam nổi tiếng. Khách sạn Lâm An cũng là một trong những khách sạn cổ của Kiến Thủy. Hoặc mời bạn tới quán ăn nổi tiếng Hương Mãn Lâu (香满楼) ăn thử gà hấp nồi đất và măng non xào, bún măng non... Ngoài ra, trong khi lang thang trên phố cổ, bạn cũng có thể thử các hàng trà sữa địa phương và ăn đậu phụ nướng – một món ngon đặc sản Kiến Thủy.
Bún qua cầu
Khi nhắc tới Vân Nam Trung Quốc, người ta thường nghĩ đến Lệ Giang nhiều nhất. Thế nhưng chỉ cần đến Kiến Thủy một lần, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh bình, tĩnh lặng và những nét đặc trưng nhất của một thành phố Trung Hoa cổ xưa.
Kỳ nghỉ tới, nếu muốn tới đây du lịch, hãy liên hệ với Kỳ Nghỉ Đông Dương chúng mình qua số hotline, Zalo hoặc Facebook hiện trên màn hình để được tư vấn và đặt một Tour Kiến Thủy phù hợp nhé!
Ngọc Thúy