Có phải Nhật Tắc Câu là nơi đẹp nhất Cửu Trại Câu 2024?
Cửu Trại Câu – thung lũng ở Trung Quốc được mệnh danh là “thiên đường đẹp nhất nơi hạ giới”. Nếu bạn thích đi du lịch để tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp thì chắc chắn đây là nơi dành cho bạn, khiến bạn yêu mến không muốn về nữa. Ba nhánh chính của Cửu Trại Câu (Thụ Chính Câu, Nhật Tắc Câu, Tắc Tra Oa Câu) ngẫu nhiên tạo thành hình chữ Y. Trong bài viết này, hãy để mình giới thiệu sơ lược về nhánh Nhật Tắc Câu – nhánh thung lũng được du khách đã đi Tour Cửu Trại Câu đánh giá là nhánh đẹp nhất nhé! Nếu bạn thấy mê mẩn rồi thì còn chờ mà không làm ngay Visa Trung Quốc rồi đi “trốn” khỏi chốn đô thị ồn ã thôi!
Tour Cửu Trại Câu - Lạc Sơn - Thành Đô - Trùng Khánh 2024
► Cửu Trại Câu ở đâu?
Có lẽ nhiều bạn đã nghe đến tên địa danh này rồi nhưng không biết nó nằm ở đâu phải không? Vậy xin thưa, Cửu Trại Câu là một thung lũng, chính xác hơn thì hiện nay là khu bảo tồn tự nhiên – vườn quốc gia Cửu Trại Câu, nằm ở phía Nam quận Nam Bình, châu tự trị dân tộc Khương, dân tộc A Bá, miền Bắc Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Màu nước đa sắc ở Cửu Trại Câu
Đây từng là nơi ở của 9 làng dân tộc Tây Tạng (nên mới có cái tên “Cửu Trại” – 9 làng) và hiện nay trong khu bảo tồn Cửu Trại Câu còn 3 ngôi làng có người dân sinh sống và làm dịch vụ du lịch.
Voọc mũi hếch - loài động vật quý hiếm ở Cửu Trại Câu
Cửu Trại Câu nằm trên dãy núi đá vôi trầm tích, trải trên độ cao từ 2.000m – 4.500m so với mực nước biển, bởi vậy các hồ nước nơi đây luôn trong vắt, nhiều hồ đổi màu theo mùa và có thể thấy các lớp đá vôi dưới đáy hồ. Đặc điểm này, cùng hệ sinh thái động – thực vật phong phú và những đỉnh núi tuyết phủ đã khiến Cửu Trại Câu luôn nằm top điểm đến đẹp nhất ở Trung Quốc.
► Nhánh Nhật Tắc Câu
Cả thung lũng Cửu Trại được chia làm 4 nhánh, trong đó có 3 nhánh chính ngẫu nhiên tạo thành hình chữ Y xoay ngược, bắt đầu bằng Thụ Chính Câu ở đầu phía Bắc, đi khoảng 14.5km đến Thác Nặc Nhật Lãng thì tách ra thành 2 nhánh: bên trái là Tắc Tra Oa Câu, bên phải là Nhật Tắc Câu. Ngoài ra còn có nhánh phụ Trát Như Câu rẽ từ ngay lối vào Thụ Chính Câu.
Cảnh hồ Ngũ Hoa - Nhánh Nhật Tắc Câu
Trong 4 nhánh thì Nhật Tắc Câu (日则沟, Rize Gou) được cho là có nhiều cảnh điểm, hồ nước hơn cả, bắt đầu từ thác nước Nặc Nhật Lãng và điểm cuối là khu rừng nguyên sinh. Cảnh vật nơi đây thay đổi như kính vạn hoa, đưa du khách từ ngỡ ngàng này đến vỡ òa khác, như lạc vào chốn thần tiên cổ tích.
► Những cảnh đẹp ở Nhật Tắc Câu
1. Rừng nguyên sinh
Rừng nguyên sinh ở Cửu Trại Câu
Khu rừng nguyên sinh này nằm ở điểm cuối Nhật Tắc Câu, ở độ cao 3060m so với mực nước biển, với diện tích 540 ha. Du khách đến đây có cảm giác như lạc vào rừng nguyên thủy từ hàng triệu năm về trước, nơi rừng cây tán lá che khuất cả ánh sáng mặt trời, cây nối cây, lá nối lá, những dây leo và rễ cây chằng chịt đan vào nhau. Ở đây có nhiều loại cây mọc tự nhiên như linh sam, đỗ quyên, tre,...thậm chí cả địa y. Khách đi tour Cửu Trại Câu đến đây sẽ được trải nghiệm cảm giác đi trên những “tấm chăn” địa y mềm như nhung, không khí mang theo mùi cỏ thơm, những cây thông rì rào rỉ tai nhau, chim hót líu lo và gió núi len lỏi trong khu rừng. Khu rừng ở đây nguyên bản đến mức, kể cả nếu có một thân cây mục ra rồi đổ xuống, người ta cũng sẽ để nguyên trạng nó ở đó, như một khu rừng không có bóng người, trừ khi cây đổ xuống làm chặn dòng chảy của hồ.
2. Vách đá Kiếm Nham
Vách đá Kiếm Nham
Trên đường từ rừng nguyên sinh xuống hồ Cỏ, du khách sẽ bắt gặp một đỉnh núi dựng đứng, đứng biệt lập, cao hơn 500m. Vách núi này dốc thẳng như bị một thanh kiếm sắc bén chém xuống. Trên vách núi chỉ có lác đác vài ngọn cây, bụi cỏ, càng khiến cho vách núi này nổi bật hơn giữa núi rừng đại ngàn.
3. Hồ Cỏ
Hồ nước này nằm ở độ cao 2910m, dài 540m, rộng 4 – 20m và chỉ sâu 4m, là một hồ nước nửa hồ nửa đầm.
Hồ Cỏ - Nhật Tắc Câu
Hồ Cỏ nằm giữa đoạn đường từ vách Kiếm Nham xuống hồ Thiên Nga, được bao quanh bởi những khối núi đá khiến hồ nước như một vành đai chạy dài, yêu tĩnh và phẳng lặng. Cũng bởi nằm sâu trong thung lũng, từ chiều đến tận cuối này ít có ánh sáng nên nơi đây rất thích hợp cho cỏ dại ở đầm mọc, phủ đầy mặt hồ. Nếu bạn muốn chụp được những bức ảnh đẹp thì tốt nhất là chụp vào buổi sáng, khi ánh sáng mặt trời chiếu rọi bãi cỏ ở đây, lan tỏa khắp đầm lầy, bạn sẽ chộp được những bức ảnh với hiệu ứng đẹp bất ngờ đấy!
4. Hang Ưng Trảo
Hang Ưng Trảo
Ưng Trảo có nghĩa là “Móng đại bàng”. Nằm trên con đường dẫn đến hồ Thiên Nga, hang Ưng Trảo gắn liền với một truyền thuyết chống lại ma quỷ của các bộ tộc xưa ở Cửu Trại Câu. Tương truyền rằng thủ lĩnh các bộ tộc đã chiến đấu với quái điểu ở đây, những dấu vết chéo ngang dọc ở cửa hang chính là 50 dấu móng quái điểu đã chém vào.
5. Hồ Thiên Nga
Hồ Thiên Nga trong một ngày mù sương
Hồ Thiên Nga nằm ở độ cao 2905m so với mực nước biển, dài 720m, rộng 50 - 100m và sâu khoảng 6m. Nước hồ Cỏ chảy xuống hồ Thiên Nga, và đặc điểm ở đoạn hồ này cũng giống như ở hồ Cỏ, nhưng rộng và sâu hơn. Nhờ bãi đầm lầy ở hồ mà cây cỏ, lau sậy phát triển mạnh, là nơi “ở trọ” thích hợp cho những “du khách” thiên nga từ phương xa di cư tới, sinh sống và đẻ con ở đây. Tuy nhiên, bởi thiên nga là loài chim di cư, bay đi và trở về theo mùa nên không phải thời điểm nào khách du lịch đến đây cũng sẽ gặp được, nhưng những đàn vịt của người dân ở đây thì thỉnh thoảng có thể bắt gặp.
6. Hồ Tiễn Trúc – Thác nước hồ Tiễn Trúc
Từ hồ Thiên Nga đi xuống một đoạn khá xa (khách đi tour Cửu Trại Câu giá rẻ được khuyến khích nên đi bằng xe bus của khu du lịch), bạn sẽ nhìn thấy hồ Tiễn Trúc.
Hồ Tiễn Trúc
Hồ nước này nằm ở độ cao 2618m so với mực nước biển, sâu 6m và có diện tích 170.000 m2. Trên hồ có những rặng trúc, linh sam thẳng đứng, soi bóng xuống mặt hồ như những mũi tên. Hồ Tiễn Trúc nằm gần hồ Gấu Trúc, được cho là đã từng có nhiều gấu trúc đến đây ăn tre, trúc.
"Cây tái sinh" ở giữa hồ
Ở giữa hồ còn có một cảnh quan cực kỳ đặc biệt, được gọi là “cây tái sinh”. Đây là một thân cây mục rơi xuống hồ, bị vôi hóa nằm yên ở đó, rồi một số cây mới lại mọc từ trên đó lên, cứ có cây chết đi thì lại có cây khác mọc lên, trở thành một phần đặc biệt khi nhắc đến hồ Tiễn Trúc.
Năm 2001, đạo diễn Trương Nghệ Mưu (đạo diễn của nhiều bộ phim và show diễn văn hóa nổi tiếng như “Thập diện mai phục”, “Đèn lồng đỏ treo cao”, show “Rạng Rỡ Tương Tây”,…) đã từng lấy hồ nước này và một vài địa điểm khác ở Cửu Trại Câu làm bối cảnh quay cho bộ phim “Anh hùng”.
Cảnh trong phim "Anh Hùng" (2002) quay ở hồ Tiễn Trúc
Thác nước hồ Tiễn Trúc cao 7m và rộng 150m. Những tảng đá đổ từ rừng xuống tạo thành con đập ngăn nước thành những dòng suối nhỏ. Nước chạy dọc từ hồ Tiễn Trúc xuống đây trở thành thác nước, với những tia nước chảy chỗ ồn ã chỗ róc rách êm ả, tạo thành nhịp điệu vui tai cho du khách tour Cửu Trại Câu đến đoạn này.
Thác hồ Tiễn Trúc trong mùa khô
7. Hồ Gấu Trúc – Thác nước hồ Gấu Trúc
Hồ Gấu Trúc nằm ở độ cao 2587m so với mực nước biển, sâu 14m và có diện tích 90.000m2. Nước hồ này trong suốt, phản chiếu cả bầu trời, đưa du khách vào một không gian thanh bình, tĩnh tại. Chẳng vậy mà dân bản địa nói rằng dù hiện tại thì không còn được bắt gặp nhưng trước đây đã từng có nhiều gấu trúc lớn đến đây uống nước, vui chơi và tìm thức ăn. Bởi vậy hồ nước này mới được gọi là hồ Gấu Trúc.
Hồ Gấu Trúc
Đi dọc theo đường quanh hồ Gấu Trúc xuống phía Bắc (trở về hướng xuống Thụ Chính Câu), bạn sẽ nhìn thấy từng lớp bậc đá dốc đứng, nước từ hồ Gấu Trúc đổ xuống đó thành thác Gấu Trúc, rồi nước chảy tiếp về các hồ phía dưới. Dòng nước đập vào những mô đá nhô ra trên thác rồi bắn lên, chồng chéo lên nhau tạo ra một khung cảnh hùng vỹ khôn tả. Đặc biệt, nếu đến đây vào mùa đông, bạn sẽ thấy thác nước này, cùng những thác nước trong Cửu Trại Câu đóng băng lại, biến thành một bức tường pha lê tuyệt đẹp.
Thác Hồ Gấu Trúc
Từ thác, du khách tiếp tục đi theo con đường ván gỗ dọc theo hướng dòng chảy xuống. Lối đi này không có tay vịn 2 bên, hoàn toàn hòa vào cùng không gian núi rừng, yên tĩnh đối lập với dòng nước dào dạt chảy.
Con đường đi bộ bằng ván gỗ ở Cửu Trại Câu
8. Hồ Ngũ Hoa
Hồ Ngũ Hoa cùng với Hồ Ngũ Sắc là những kỳ quan nổi bật nhất Cửu Trại Câu, đặc trưng cho sự đổi màu kỳ ảo của nước do đá vôi hóa và tảo đầy màu sắc dưới đáy hồ. Lớp thực vật ở đây có chỗ xanh sapphire, chỗ xanh ngọc lục bảo, chỗ lại màu cam hay đỏ nhạt, giống như vô số viên đá quý được thả xuống lòng hồ. Vào mùa thu, dưới hồ thì lấp lánh đầy màu sắc, trên mặt hồ lại phản chiếu khu rừng đầy hoa cỏ, lá vàng lá đỏ, tạo thành một bức tranh đầy màu sắc, được “vẽ” nên bởi họa sĩ “thiên nhiên” tài ba.
Hồ Ngũ Hoa khi thu về
Có 3 nơi được du khách đi tour Cửu Trại Câu gợi ý nếu bạn muốn chụp được những tấm ảnh đẹp nhất ở hồ Ngũ Hoa:
- Từ thác Gấu Trúc đi thẳng con đường ván gỗ đến đoạn ngã 3 ở hồ Ngũ Hoa, bạn rẽ phải vào đoạn đường đi bộ này một chút sẽ thấy được toàn bộ hồ Ngũ Hoa. Ở góc này có một hòn đá khổng lồ gọi là “Miệng Hổ”, đây cũng là điểm cao nhất để chụp hồ Ngũ Hoa từ trên cao xuống.
Cây gỗ mục ở hồ Ngũ Hoa, trông giống một con cá sấu đang mở miệng
- Đi trên con đường ván gỗ dọc hồ, bạn cũng có thể chụp toàn cảnh hồ và giữa hồ có một gốc cây mục, hình dáng giống một con cá sấu đang mở miệng.
- Tiếp tục đi đến cuối hồ Ngũ Hoa, đứng trên cây cầu gỗ dài chỉ vài mét ở hồ, từ phía thác Gấu Trúc đi xuống, bạn sẽ dễ dàng chụp được những rễ cây chìm dưới đáy hồ trông như lông công.
9. Đường sông Khổng Tước
Đường sông Khổng Tước uốn lượn dưới đường đi bộ
Tiếp tục từ hồ Ngũ Hoa đi về phía Bắc, du khách sẽ đi qua ngã ba hồ Ngũ Hoa và sông Khổng Tước. Sông Khổng Tước lấy nguồn nước từ hồ Ngũ Hoa rồi chảy len lỏi vào bên trong khu rừng trong thung lũng. Khúc sông này nhỏ, hẹp, chảy uốn lượn, được gọi là Đường sông Khổng Tước. Do hiệu ứng dưới đáy sông cũng như đáy hồ Ngũ Hoa nên màu sắc ở con sông này cũng chỗ xanh sapphire, chỗ xanh lá, chỗ lại vàng, sóng lăn tăn khiến mặt nước như con công xòe đuôi, khoe ra bộ lông tuyệt đẹp đầy màu sắc. Từ trên đường đi bộ ván gỗ ở đoạn này, khách du lịch Cửu Trại Câu cũng sẽ thấy những thân cây, rễ cây chằng chịt dưới đáy hồ, trông như những phiến lông công.
10. Bãi Trân Châu – thác nước bãi Trân Châu
Từ đoạn ngã ba này, khách du lịch tiếp tục hành tình, đi qua một hồ nước nhỏ (được gọi là “hồ Chuông Vàng”) là đến bãi Trân Châu, hay Bãi Ngọc Trai. Đây là một bãi cạn mấp mô, gập ghềnh. Có tên gọi “Trân Châu” bởi nước chảy ào ạt xuống, đập vào nhau rồi bắn tóe lên, lóng lánh dưới ánh nắng như những viên ngọc trai.
Bãi Trân Châu
Du khách đi tour Cửu Trại Câu giá rẻ đến đây sẽ còn được nghe kể về một truyền thuyết gắn với bãi Trân Châu. Tương truyền từ thời xư xưa, một nữ thần đi qua đây đã phải lòng một chàng trai Tây Tạng. Chàng trai đưa nữ thần một chuỗi ngọc trai, đáp lại, nữ thần tặng chàng chiếc rìu có thể xẻ núi. Chàng liền xẻ núi làm kênh dẫn nước. Các vị thần biết được liền cho lính xuống bắt nữ thần. Họ chém đứt vòng cổ của chàng tặng, từng viên chân trâu rơi xuống nước, hóa thành bãi Trân Châu.
Thác Trân Châu - Cửu Trại Câu
Qua bãi Trân Châu, khách du lịch sẽ đi tiếp xuống đến thác Trân Châu. Dòng nước chảy ồ ạt từ bãi Trân Châu, rơi xuống vách đá vôi tạo thành thác nước, ồn ào như làm rung cả một khoảng trời Cửu Trại. Những khối đá vôi ở đây gồ ghề, khiến dòng nước chảy xuống thành vòm như lá rẻ quạt, càng khiến thác nước trở nên hùng vĩ. Nếu đến đây vào mùa đông, bạn sẽ thấy thác nước này đóng băng lại, tưởng tượng như chỉ cần chạm tay vào là rơi lộp độp xuống như những viên ngọc trai.
Thác Trân Châu - bối cảnh trong phim Tây Du Ký
Đặc biệt, đối với nhiều khách Việt Nam thế hệ 8x, 9x, đến thác nước này bạn sẽ nhận ngay ra bối cảnh đi qua thác của thầy trò Đường Tăng trong bộ phim Tây Du Ký. Đây cũng là nơi quay bộ phim “Anh Hùng” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, cùng với địa điểm hồ Tiễn Trúc.
11. Hồ Gương
Từ thác Trân Châu, du khách đi qua con đường ván gỗ dài, đi thẳng xuống phía Bắc sẽ thấy hồ Gương. Đây là hồ nước hẹp, dài hơn 1km.
Hồ Gương
Hồ nước này nằm gần ngã ba nhánh chữ Y của Cửu Trại Câu, 2 bên hồ được bao bọc bởi những ngọn núi cao, chắn gió nên quanh năm nước trong vắt, gần như không bao giờ nổi sóng. Cũng vì vậy, mặt nước hồ này phản chiếu rõ nhất mọi cảnh vật, mây trời, chim muông, như chiếc gương khổng lồ mà thượng đế bỏ quên lại nhân gian.
12. Quần thể hồ Nặc Nhật Lãng – Thác Nặc Nhật Lãng
Nước từ hồ Gương tiếp tục hành trình chảy về ngã ba chữ Y. Đến gần thác Nặc Nhật Lãng ở ngã ba thì có những bãi đá vôi, chia tách dòng nước thành 18 hồ lớn nhỏ, như quần thể hồ Thụ Chính ở nhánh Thụ Chính Câu.
Quần thể hồ Nặc Nhật Lãng
Dòng chảy lại tiếp tục “tìm” về ngã ba, đến đúng ngã ba thì tạo thành thác nước Nặc Nhật Lãng. Đây là thác nước rộng nhất Trung Quốc, rộng 320m, cao 24.5m, nằm ở độ cao 2365m so với mực nước biển.
Thác Nặc Nhật Lãng ở ngã ba thung lũng Cửu Trại
Theo ngôn ngữ Tây Tạng, “Nặc Nhật Lãng” (Nuo Ri Lang) có nghĩa là vị nam thần, cũng có nghĩa là nơi cao lớn, hùng vĩ. Đến đây vào mùa nước rút, du khách sẽ được nghe “bài ca” du dương, dịu êm của núi rừng, của dòng nước trong vắt, róc rách nhẹ nhành, nước chảy lặng lẽ len qua những tán lá vàng – đá đen giữa mùa thu. Nhưng khi mùa mưa đến, nước dồi dào từ các hồ đổ xuống, khiến thác nước tạo ra âm thanh như làm rung chuyển cả thung lũng. Rồi đến mùa đông, thác đóng băng tạo thành những cột băng cực đẹp. Nếu đi tour Cửu Trại Câu vào một ngày nắng đẹp, bạn còn có thể bắt gặp những đoạn cầu vồng khắp thung lũng, khiến thác nước trở nên huyền ảo, quyến rũ hơn bao giờ hết.