Du lịch Cao Bằng có gì ngoài thác Bản Giốc?
Tour Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể 3N2Đ Giá Rẻ Dv Tốt 2024
Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc - Thái Nguyên 2 Ngày 2 Đêm
Tour Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc 3 ngày 2 đêm
Tour Đông Bắc 5N4Đ - Hà Giang - Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể
Đền Mẫu Đồng Đăng
Trên đường di chuyển đến Cao Bằng, hầu hết các tour du lịch thác Bản Giốc sẽ đưa khách nghỉ chân ở Đền Mẫu Đồng Đăng trước. Nơi này thờ Phật và Thánh Mẫu Liễu Hạnh - 2 vị thần quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tâm linh ở Việt Nam. Đặc biệt là Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong "Tứ bất tử" của người Việt. Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh tên là Quỳnh Hoa, bà là con gái của Ngọc Hoàng xuống trần gian giúp đỡ nhân dân thời Hậu Lê và được truyền Lê sắc phong làm công chúa Liễu Hạnh, còn có tên khác là Thượng đẳng Phúc thần. Khi bà đến Lạng Sơn thì thấy một ngôi chùa bỏ hoang, bà đã nhắc khéo Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan vừa đi sứ Trung Quốc về là hãy tu sửa chùa. Ông đã tu sửa lại và nơi này thờ cả Phật lẫn Mẫu Liễu Hạnh. Trước kia đền Mẫu Đồng Đăng nằm sát chân núi, nhưng do có nhiều khách hành hương tìm đến nên đền được di dời tới thung lũng Đồng Đăng cho tiện việc di chuyển của mọi người.
Chùa mới có khuôn viên rộng hơn nhưng vẫn nằm ngay sát chân núi, cổng tam quan được xây vòm cuốn với họa tiết và hoa văn đặc sắc, bên trong đền còn có 2 chú voi phủ phục. Giữa sân là ban thờ Phật cùng tượng Phật bà Quan Âm, bên trong đền Mẫu có 5 gian thờ: trong cùng là Tam bảo nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm, gian ngoài thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Mẫu đệ nhất Thượng Thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải Phủ. Bên ngoài là gian thờ Sơn trang gồm Mẫu Thượng Ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín. Gian giữa ngoài cùng chính điện thờ Chúa Liễu, hai bên là chầu Bơ và Chầu Lục. Phía sau đền còn một bảo tháp nhưng nơi này chỉ mở cửa vào ngày lễ hội. Rất nhiều người đến đây làm lễ xin cầu may mắn, tài lộc hoặc những người có “nợ” với Mẫu đều tìm đến.
Khu di tích Pác Bó
Suối Lê-nin
Khu di tích Pác Bó sẽ là điểm tham quan thứ 2 trong ngày đầu tiên của du khách. Nơi này cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52km về hướng Bắc và là điểm đầu: km số 0 của đường Hồ Chí Minh. Cả khu du lịch này bao gồm suối Lê-Nin, núi Các-Mác xanh ngắt cùng lối đi qua nơi Bác Hồ câu cá, đường đi lên hang Cốc Bó nơi Bác sống và làm việc. Các hướng dẫn viên tour Thác Bản Giốc từ Hà Nội sẽ giới thiệu cho bạn về cuộc sống của Bác khi sống tại đây, thời gian bác sống ở nhà ông Sùng - người đưa Bác về nước qua cột mốc 108 biên giới Việt Trung. Ngoài ra bạn cũng sẽ được chụp ảnh bên bàn đá nơi Bác làm việc cũng như check-in ở con đường dẫn lên cột mốc biên giới. Tuy nhiên trong thời gian có dịch Covid, bạn nên hỏi trước hớng dẫn viên có được lên không nhé. Do tình hình dịch bệnh nên các tour du lịch đều không cho du khách lên cột mốc, tránh bị nhầm thành người vượt biên tránh dịch. Đến với Pác Bó mọi thời điểm trong năm, bạn sẽ ngỡ ngàng trước dòng suối Lê-Nin xanh ngắt nên thơ cũng như hiểu được gian khó của Bác trong thời gian cứu nước trước kia.
Bàn đá nơi Bác làm việc
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao cách Thác Bản Giốc chỉ 5km, do đó nhiều hành trình tour thác Bản Giốc thường đưa du khách đến động Ngườm Ngao trước rồi mới ra thác. Động Ngườm Ngao trong tiếng Tày có nghĩa là Động Hổ. Theo chuyện kể lại ngày xưa trong động có một đàn hổ sinh sống, hoặc do tiếng nước chảy trong động gầm gừ hệt như tiếng Hổ. Nhiệt độ trong hầm chỉ dao động trong khoảng từ 17-18 độ, do đó mùa hè vào động sẽ thấy mát, mùa đông sẽ thấy ấm.
Vào trong động bạn sẽ thấy những khối đá vôi to lớn với tên cột Vàng cột Bạc, rồi có cả một khối đá vôi hình hoa sen úp ngược vô cùng đẹp mắt và thu hút du khách đến chụp ảnh tham quan. Nhiều người đánh giá đây là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam bên cạnh động Phong Nha, Tràng An hay động Thiên Đường. Trong động có những nơi phải luồn cúi khá sâu và có nước chảy xuống từ trần hang nên hãy cẩn thận trơn trượt, chỉ nên đi giày đế mềm và tránh đi vào nơi có biển báo nguy hiểm nhé.
Thác Bản Giốc
Từ động Ngườm Ngao ra thác Bản Giốc không xa. Chủ yếu các tour du lịch hay lựa chọn đi Thác Bản Giốc vào buổi trưa là bởi từ 11h trưa đến 1h chiều mỗi ngày vì vào mùa khô, nhà máy thủy điện sẽ xả nước để thác nhiều nước và có màu sắc đẹp nhất định. Do trước đó phía Trung Quốc xây thủy điện làm thác Bản Giốc bị cạn nước.
Về vấn đề tranh chấp Thác Bản Giốc của Việt Nam và Trung Quốc, 2 nước đã ký hiệp định cùng phát triển du lịch và thủy điện trên cùng một dòng sông. Sông Quây Sơn trở thành đường biên giới tự nhiên giữa 2 quốc gia. Do đó Việt Nam sở hữu phần thác phụ cùng một nửa thác Bản Giốc chính, phía Trung Quốc cũng sở hữu một nửa phần thác còn lại.
Khi đến đây bạn có thể đi thuyền ra thác và dễ dàng lướt qua các tàu thuyền của nước láng giềng Trung Quốc. Hai bên thuyền có thể đi sang phần sông của nhau - miễn là không tấp thuyền lên bờ. Trên bờ, bạn có thể chụp ảnh ở phần thác phụ và chụp check-in ở cột mốc 53. Vào ngày nắng đẹp, bạn có thể thấy được cầu vồng trên thác nữa đấy.
Hồ Ba Bể Bắc Kạn
Tùy vào từng tour du lịch mà du khách có thể "dạt" sang nghỉ chân ở Hồ Ba Bể Bắc Kạn hoặc quay chỉ đi Cao Bằng rồi trở về Hà Nội. Nhưng nếu đi theo tour thì bạn nên chọn tour nghỉ lại tại hồ Ba Bể. Từ Thác Bản Giốc đi ăn trưa rồi lái xe đến Hồ Ba Bể sẽ mất 5 tiếng. Ở Hồ Ba Bể buổi đêm sẽ có chương trình ca hát, nhảy sạp và nghe làn điệu dân ca của người dân tộc tại đây. Hồ Ba Bể nằm trong rừng nguyên sinh nên được bảo tồn hệ sinh thái rất kỹ, bạn không thể tổ chức lửa trại ở đây, nhưng nếu có đoàn văn nghệ đến ca hát tại homestay, khách sạn thì rất tuyệt đấy. Sáng hôm sau bạn có thể đi thuyền tham quan đảo bà Góa, ao Tiên và đền An Mạ là kết thúc hành trình rồi.
Trên đây là một số gợi ý cho hành trình du lịch Cao Bằng nếu bạn chưa có ý tưởng cụ thể. Hy vọng với những thông tin, bạn sẽ có một chuyến đi thật nhiều kỷ niệm nơi miền Đông Bắc này!
(Nguồn ảnh: Kỳ Nghỉ Đông Dương và các nguồn sưu tầm khác. Nếu bạn là tác giả ảnh, vui lòng liên hệ với website chúng tôi. Xin cảm ơn!)