Đi ngược thời gian về phố cổ Nhai Tử Tứ Xuyên (update 2024)
Phố cổ Nhai Tử (Nhai Tử Cổ Trấn / 街子古镇 / Jiezi Ancient Town) là một thị trấn cổ có tuổi đời lên tới 1000 năm ở gần Thành Đô, Tứ Xuyên. Khách Du lịch Cửu Trại Câu có thể tham quan những gì tại đây? Cùng Kỳ Nghỉ Đông Dương tìm hiểu ngay trong bài viết này trước khi theo Tour Cửu Trại Câu tới đó bạn nhé!
Tour Cửu Trại Câu - Lạc Sơn - Thành Đô - Trùng Khánh 2024
Tour Phượng Hoàng Cổ Trấn tour Trương Gia Giới Du Lịch Giá Rẻ 2024
Tour Lệ Giang từ Hà Nội Giá Rẻ Du Lịch Shangrila 2024
Tour Bắc Kinh Thượng Hải từ Hà Nội Giá Rẻ Du lịch 2024
Phố cổ Nhai Tử ở đâu?
Quảng trường Ngân Hạnh - Phố cổ Nhai Tử
Phố cổ Nhai Tử (Nhai Tử Cổ Trấn / 街子古镇 / Jiezi Ancient Town) nằm ở thành phố Sùng Châu (Chongzhou), phía tây tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhai Tử cách thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên khoảng 57km, có thể tham quan trong 2 – 3 giờ đồng hồ, không cần vé vào cổng. Vậy nên khách đi Tour Trung Quốc tới những điểm tham quan nổi tiếng của Tứ Xuyên như Thành Đô, Cửu Trại Câu, Lạc Sơn Đại Phật, Nga Mi Sơn… thường ghé thăm cả phố cổ này.
Phố cổ Nhai Tử được hình thành như nào?
Phố cổ Nhai Tử là một thị trấn cổ với lịch sử hơn 1000 năm. "Nhai Tử" (街子) có nghĩa là con đường nhỏ. Vào thời nhà Đường và Ngũ Đại Thập Quốc, nơi đây được gọi là trấn Hoành Cừ (横渠镇 / Hengqu zhen) với nhiều hoạt động mở rộng phạm vi.
Tuy nhiên sau nhiều năm tháng hỗn loạn do chiến tranh gây ra, mọi cửa tiệm kinh doanh tại đây đều dần sa sút, chỉ còn phố Điều (Điều Nhai / Tiaojie / 条街) bên bờ sông Vị Giang (Weijiang / 味江) là còn sót lại chút thịnh vượng xưa kia.
Tới thời hiện đại, do người dân vùng núi lân cận có nhu cầu đi chợ và giao thương buôn bán nên chính phủ đã đổi tên con phố nhỏ ven sông đó thành chợ Nhai Tử. Sau đó nơi này trở thành thị trấn Nhai Tử luôn.
Có gì khám phá ở phố cổ Nhai Tử?
Phố cổ Nhai Tử ở thành phố Sùng Châu nằm dưới chân núi Phượng Tê (Fengqi / 凤栖山), nối với ngọn núi phía sau của núi Thanh Thành (Qingcheng / 青城山) với con sông Vị Giang chảy qua. Thị trấn cổ này có sự kết hợp "núi và nước", du khách có thể thưởng thức phong cảnh thiên nhiên thanh bình, yên ả cùng những di tích lịch sử trong cùng một chuyến thăm.
Phố cổ Nhai Tử nổi tiếng là quê hương của nhà thơ Đường Cầu (Tang Qiu / 唐求 ) thời nhà Đường. Hơn nữa, danh lam thắng cảnh này còn được gọi là "Khu vườn phía sau núi Thanh Thành", "Thị trấn cổ đẹp nhất Tứ Xuyên", "Quê hương của hoa lan", "Một trong 10 thị trấn cổ đáng giá nhất ở Tứ Xuyên". Nếu bạn có đủ thời gian, nơi đây sẽ là một lựa chọn tuyệt vời để tham quan trên con đường du lịch Cửu Trại Câu hay Thành Đô.
Phố cổ Nhai Tử mộc mạc, an yên, phản chiếu cuộc sống điển hình của phố cổ ở phía Tây Tứ Xuyên. Có rất nhiều di tích nằm rải rác xung quanh Phố cổ Nhai Tử bao gồm Quang Nghiêm Thiền Viện, Danh lam thắng cảnh núi Phượng Tê, Rừng nguyên sinh, cây bạch quả Thiên niên kỷ, chùa đá cổ, cầu cổ, đường phố triều đại nhà Thanh được bảo tồn tốt, hang động và trên dưới 32 ngôi đền.
Tản bộ dọc theo Phố Cổ Nhai Tử
Cách tốt nhất để khám phá Phố cổ Nhai Tử chỉ đơn giản là đi dạo quanh những con phố cổ. Đi bộ trên những con đường lát đá cổ kính để khám phá những cửa hàng xưa cũ với sách cũ, tranh vẽ, dép rơm thủ công, đồ cổ, đồ bạc, đồ nội thất cũ...
Ngoài ra, có một con phố quán bar được xây dựng dọc theo sông Vị Giang với những ngôi nhà cổ. Đắm mình trong thời gian xưa kia và phóng tầm mắt ra những ngọn núi xinh đẹp để thư giãn chắc chắn sẽ khiến bạn thoải mái hơn sau những ngày tháng nơi phố thị xô bồ.
Chiêm ngưỡng tháp Tự Khố trên quảng trường Ngân Hạnh
Tháp Tự Khố (Ziku Pagoda / 字库塔) hay tháp Tự Khố thôn Triều Dương nằm ở Quảng trường Ngân Hạnh giữa thị trấn Nhai Tử. Chắc chắn khi đến đây bạn không thể bỏ qua tòa tháp này. Nó nằm ngay trên trục đường trung tâm của thị trấn.
Được xây dựng vào năm 1852 thời nhà Thanh, tháp Tự Khố cao 15 mét với năm tầng có hình lục giác. Trên bốn tầng trên cùng chạm khắc hình vẽ "Truyền thuyết về rắn trắng" (Bạch Xà Truyện). Người dân địa phương tạo ra ngọn tháp như để khẳng định sự tôn trọng đối với giấy, chữ viết và ngôn từ, thể hiện sự ủng hộ với văn học và sự nho nhã.
Quảng Trường Ngân Hạnh (Ginkgo Plaza / 银杏广场) được đặt tên theo 5 cây ngân hạnh hơn 1000 tuổi được trồng tại đây. Trong đó, có 4 cây cao hơn 20m với đường kính 1m, mỗi cây có thể cần tới 3 người mới ôm xuể. Bạn có thể tới phố cổ Nhai Tử bất cứ mùa nào trong năm nhưng nếu mục đích chính là ngắm những cây Ngân Hạnh chuyển sang màu lá vàng sáng rực thì phải tới đây vào độ cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Cầu Thụy Long
Trấn cổ Nhai Tử nằm bên bờ sông Vị Giang. Vậy nên cuộc sống nơi đây cũng gắn liền với những cây cầu. Nổi tiếng nhất và nằm ngay bên cạnh Quảng Trường Ngân Hạnh là cầu Thụy Long (Ruilong Bridge / 瑞龙桥).
Cầu Thụy Long được xây dựng từ thời Gia Khánh của nhà Thanh và được xây dựng lại sau trận động đất lớn. Đây là một cây cầu che mưa che gió với hình dáng đẹp, dầm cầu và phần lầu gác đều được chạm khắc, sơn màu một cách tỉ mỉ, tinh tế. Trên cầu có những bức tranh đầy màu sắc sống động, mô tả lịch sử, văn hóa và phong tục dân gian nơi đây.
Xa khỏi quảng trường Ngân Hạnh, đi lên phía thượng nguồn sông Vị Giang ở gần núi Thanh Thành còn có cầu Ngự Long (Yulong Bridge / 御龙桥), được xây dựng lần đầu tiên vào thời Càn Long của nhà Thanh và mãi đến thời Gia Khánh mới hoàn thành. Nó thường được người dân gọi là “cây cầu thứ hai khóa sông Vị Giang”.
Cầu Ngự Long
Tìm hiểu về nhà thơ Đường Cầu
Khi lang thang trong thị trấn Nhai Tử hướng về phía núi Thanh Thành, bạn sẽ bắt gặp Miếu Đường Công (唐公祠) bên Quảng Trường Đường Cầu. Đây là nơi người dân xây dựng để tưởng nhớ và bày tỏ lòng tôn kính với nhà thơ Đường Cầu xưa kia.
Đường Cầu sống vào cuối thời nhà Đường. Khi Vương Kiến chiếm được Thành Đô liền triệu Đường Cầu tới làm tham mưu nhưng ông từ chối. Ông về ở ẩn trên núi gần dòng sông Vị Giang, làm thơ cho vui, cũng để bày tỏ cảm xúc và tham vọng của mình. Sau khi làm xong những bài thơ, ông nhét giấy viết vào quả bầu để thi ca của ông chảy theo dòng sông nên còn được dân gian gọi là “Thi Bầu” hay “Nhất Biều Thi Nhân” (Nhà thơ trái bầu). Nhà thơ Đỗ Phủ nổi tiếng cũng đã từng tới ngâm thơ đối đáp và để lại bút tích tại đây.
Tham quan Quang Nghiêm Thiền Viện
Quang Nghiêm Thiền Viện (Guangyan Temple / 光严禅院) nằm trong rừng núi Phượng Tê, ở độ cao 1100 mét. Nó được xây dựng lần đầu tiên vào thời nhà Tấn. Sau đó chú và cháu trai của Hồng Vũ Đế (Minh Thái Tổ) trong triều đại nhà Minh đã quy y trong chùa này. Tuy nhiên ngôi đền cổ đã bị phá hủy hoàn toàn trong cách mạng văn hóa. Ngôi đền mới hiện tại đã mang diện mạo khác.
Nếu không phải Phật tử hay muốn tìm hiểu về văn hóa và tôn giáo thì bạn có thể đến nơi đây đơn giản chỉ để ngắm cảnh đẹp núi rừng bởi thiền viện này được bao quanh bởi gần 1km2 cây bách, linh sam cổ thụ, ngân hạnh cổ thụ, tre trúc và nhiều loại cây quý hiếm khác.
Các tuyến đường tham quan được đề xuất
Để dễ hình dung bản đồ thì bạn có thể hiểu trung tâm thị trấn Nhai Tử hay phố cổ Nhai Tử chính là Quảng Trường Ngân Hạnh. Bên trên là hướng lên núi Thanh Thành và Quảng Trường Đường Cầu. Bên dưới là trung tâm du lịch và hướng đi về Thành Đô. Bên phải là hướng đi Đô Giang Yển và bên trái là hướng lên núi Phượng Tê.
Nếu có ít thời gian ở đây, bạn có thể đi theo tuyến 1 mà chúng mình sẽ kể dưới đây, còn nếu dư dả thời gian hơn có thể đi theo tuyến 2.
Tuyến 1: Đi chơi khám phá, ăn uống và mua sắm tại các khu vực xung quanh Quảng Trường Đường Cầu, đi dọc đường lớn xuống những con đường khác trong khu phố cổ xuống tới Quảng Trường Ngân Hạnh rồi kết thúc chuyến tham quan tại cầu Thụy Long. Mất khoảng 1,5 - 2 giờ cho hành trình này.
Tuyến 2: Đi bộ đến Quảng trường Ngân Hạnh để xem năm cây Ngân Hạnh nghìn năm và tháp Tự Khố, đi bộ dọc theo đường lớn, nếm thử một số món ăn nhẹ địa phương, đến Quảng trường Đường Cầu để biết những câu chuyện về Nhà thơ thời Đường rồi rẽ sang trái về hướng núi Phượng Tê và tham quan Thiền Viện Quang Nghiêm. Mất khoảng 3 giờ hoặc hơn chuyến thăm quan này.
Xung quanh phố cổ Nhai Tử có gì khám phá?
Núi Thanh Thành
Núi Thanh Thành (Qingcheng Mountain / 青城山) cách trung tâm thành phố Đô Giang Yển 16km và cách phố cổ Nhai Tử tầm 15km. Nơi đây là một trong những cái nôi của Đạo giáo ở Trung Quốc. Núi Thanh Thành được chia thành hai phần - Núi phía trước dày đặc những ngôi đền Đạo giáo, trong khi Núi phía sau yên tĩnh và thanh bình, giữ được cảnh quan nguyên sơ.
Nếu bạn ưa thích tìm hiểu văn hóa Đạo giáo, thì núi trước là lựa chọn tốt nhất, trong khi đối với những người yêu thích đi bộ đường dài trên núi thì phần núi phía sau là tốt hơn. Núi phía trước nhỏ hơn và nửa ngày sẽ là đủ, trong khi Núi phía sau sẽ cần khoảng một ngày để tham quan. Từ núi sau bạn có thể nhìn ra thị trấn Nhai Tử.
Cơ sở Gấu Trúc Đô Giang Yển
Cách phố cổ Nhai Tử tầm 19km là Cơ sở Gấu Trúc Đô Giang Yển hay Công viên Gấu Trúc Đô Giang Yển. Với khoảng cách này bạn có thể tham quan 2 điểm trong cùng 1 ngày rồi trở về Thành Đô, hướng lên Cửu Trại Câu hoặc hướng xuống thành phố Lạc Sơn tham quan Lạc Sơn Đại Phật hay Nga Mi Sơn. Nếu yêu thích những “cục bông” quốc bảo Trung Hoa thì không thể bỏ qua điểm đến này rồi!
Trại gấu trúc Đô Giang Yển không nổi tiếng bằng cơ sở ở Thành Đô. Tuy nhiên như vậy bạn sẽ được tham quan trong yên tĩnh và thoải mái hơn, không phải chen chúc xếp hàng mà vẫn có thể ngắm nhìn những chú gấu trúc đáng yêu nô đùa, ăn chơi.
Phố cổ Nhai Tử không phải là nơi quá nổi bật nhưng chỉ cần tới đây một lần, bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc không khí xưa cũ của những con phố, những thị trấn Trung Hoa cổ đại. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên đây, khi được tới trải nghiệm trực tiếp bạn sẽ hiểu và thấy phố cổ Nhai Tử thú vị hơn.
Đừng quên liên hệ với Kỳ Nghỉ Đông Dương qua số Hotline, Zalo hoặc Facebook hiện trên màn hình để được tư vấn cụ thể Tour du lịch Cửu Trại Câu thích hợp tới đây nhé!
Ngọc Thúy