Cửu Trại Câu - Miền đất thần tiên cổ tích
Cửu Trại Câu là vùng du lịch nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc với nhiều địa điểm thu hút khách Du lịch Trung Quốc. Ở đây có đủ những danh lam từ núi non, sông nước cho đến rừng già. Để biết thêm thông tin về cảnh điểm trong Tour Cửu Trại Câu, bạn đọc đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Tour Cửu Trại Câu - Lạc Sơn - Thành Đô - Trùng Khánh 2024
I. Nhánh Tắc Tra Oa Câu
1. Hồ Dài (hồ Trường Hải)
Hồ Trường Hải
Hồ này có hình lưỡi liềm với diện tích khoảng 930.000m2. Núi tuyết bên cạnh hồ,bao quanh khiến hồ như viên ngọc sapphire tuyệt đẹp. Hồ Trường Hải là hồ cao nhất, rộng nhất tại Cửu Trại Câu. Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất là hồ không có dòng thoát nước, cũng không bắt đầu từ nước hồ khác mà do nước băng chảy từ núi tuyết xuống, rồi lại thẩm thấu vào đất, rò rỉ xuống hồ Ngũ Sắc.
2. Hồ Ngũ Sắc
Hồ Ngũ Sắc
Do nước từ hồ Trường Hải thẩm thấu vào đất rồi rò rỉ xuống Hồ Ngũ Sắc nên nước ở đây trong suốt, không lẫn tạp chất. Hầu hết các hồ có đá vôi ở Cửu Trại Câu đều trong suốt nhưng hồ Ngũ Sắc trong đến nỗi khách đi tour Cửu Trại Câu nhìn thấy rõ đá dưới đáy hồ. Ban ngày dưới tác động của khúc xạ ánh sáng thì từng góc hồ thấy màu khác nhau như lam hoặc xanh lục. Khi có gió lớn, nước hồ tạo sóng còn có thể xuất hiện màu vàng rực tuyệt đẹp.
3. Hồ Quý Tiết Thượng – Hạ
Hồ Quý Tiết gồm 2 hồ Thượng – Hạ, được bao bởi những rừng thông rậm rạp với phần rễ và thân trên mặt đất được bao phủ bởi lớp địa y đầy màu sắc, cùng nhiều tảng đá nằm rải rác xung quanh. Lượng nước trong hồ thay đổi theo mùa.
Hồ Quý Tiết
Vào Quý tiết thượng thì mùa thu nước hồ dâng lên, màu nước xanh trong. Mùa đông, hồ khô, đáy hồ phủ đầy cỏ thành vùng đất chăn nuôi gia súc và ngựa. Vào Quý tiết hạ, hồ được dát đầy hoa và cỏ khô.
II. Nhánh Nhật Tắc Câu
1. Rừng nguyên sinh
Với diện tích hơn 2.000ha, nằm ở cực tây nam Cửu Trại Câu, rừng nguyên sinh có không khí trong lành, ít tiếng ồn, cực yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy chim hót chào khách Du lịch Cửu Trại Câu. Khu rừng được giữ ở trạng thái nguyên bản đến mức cành cây hay cây bật rễ rơi xuống hồ cũng được giữ nguyên ở đó, trừ khi nó chặn dòng chảy giữa các hồ, suối thì mới có người đến để vớt, kéo lên.
Rừng nguyên sinh ở Cửu Trại Câu
2. Hồ Cỏ
Đây là một hồ đầm lầy, có độ cao 2910m so với mực nước biển, dài 540m, rộng 4-20m, nhưng chỉ sâu 4m. Dưới đáy hồ có lớp đá vôi. Vách núi đá bao quanh hồ thành thắt eo nên tạo điều kiện mát mẻ thuận lợi cho sự phát triển của cỏ trên đầm lầy. Do đó, nơi này có tên gọi là Hồ Cỏ.
Hồ cỏ ở Cửu Trại Câu
3. Hồ Thiên Nga
Được bao bởi những vách đá dốc dày đặc cây linh sam và có độ cao 2905m so với mực nước biển, hồ Thiên Nga yên tĩnh hoàn toàn. Mặt hồ tĩnh lặng như gương nên phản chiếu bóng cây xung quanh tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Hồ Thiên Nga
Hàng năm, những đàn thiên nga thường xuyên di cư đến đây, kết đôi và xây tổ sinh sống.
4. Hồ Tiễn Trúc/Thác Trúc
Hồ trúc, còn gọi là hồ Tiễn Trúc có độ cao 2618m so với mực nước biển, sâu 6m, diện tích 170.000m2. Trên bờ hồ có những rặng trúc, linh sam thẳng đứng, soi bóng xuống mặt hồ như mũi tên.
Điểm thú vị của hồ Trúc là giữa hồ có bãi cạn. Khi rễ cây chết tiếp xúc với mặt hồ sẽ mọc lại cây mới từ đó. Rễ này chết rễ kia lại mọc, cứ thế “tái sinh”.
Dòng nước từ hồ Trúc trên đường chảy xuống hồ Gấu Trúc bị chặn giữa bởi một tầng thác. Những tảng đá từ trên núi sập xuống ngăn giữa hồ tạo thành 1 thác nước cao 7m, ồn ào, tương phản với hồ nước tĩnh lặng.
Hồ Tiễn Trúc ở nhánh Nhật Tắc Câu
5. Hồ Gấu Trúc / thác Gấu Trúc
Hồ Gấu Trúc có nước trong suốt, cùng với núi phủ tuyết trắng và bầu trời xanh thăm thẳm soi bóng xuống hồ là nơi tiên cảnh được cho là Gấu Trúc đã từng đến đây uống nước, chơi đùa và tìm kiếm thức ăn, dù nhiều năm nay lượng gấu trúc giảm xuống và không có nhiều khách đi tour Cửu Trại Câu may mắn bắt gặp.
Thác nước hồ Gấu Trúc cao 78m, rộng 50m với 3 tầng thác, đã được hình thành từ khoảng 53.000 năm trước. Đây là thác nước cao nhất và hình thành sớm nhất ở Cửu Trại Câu. Những lớp đá ở thác nước này chia tách thành nhiều phần, chồng chéo lên nhau tạo cảnh tượng hùng vĩ. Mùa đông, thác đóng băng hoàn toàn thành bức tường băng ngoạn mục, độc đáo.
Hồ Gấu Trúc
6. Hồ Ngũ Hoa
Đây là một trong những kỳ quan của Cửu Trại Câu. Màu sắc kỳ diệu của hồ là kết quả của lớp đá vôi dưới đáy hồ và tảo đầy màu sắc, kết hợp cùng với màu sắc của cây cối chiếu trên mặt nước tạo nên một khung cảnh hấp dẫn, đẹp mắt.
Hồ Ngũ Hoa
7. Đường hồ Khổng Tước
Đường hồ Khổng Tước có diện tích 310m2, nằm ở đầu Bắc Hồ Ngũ Hoa trước khi uốn lượn qua rừng đến hồ Chuông Vàng. Hồ nước nhiều màu từ xanh đậm, xanh sapphire, vàng…. rực rỡ như lông công nên được mệnh danh là Khổng Tước.
Đường Hồ Khổng Tước
8. Hồ Trân Châu/Thác Trân Châu
Hồ Trân Châu thực ra là một bãi đá vôi tương đối rộng ở Cửu Trại Câu. Ở đây, nước trong vắt, chảy xối xả và va vào những khối đá, nước bắn tung lên như những viên ngọc trai nên được gọi là hồ Trân Châu.
Dòng nước chảy trên bãi đá rộng 310m rồi đổ xuống Thác Trân Châu cao 21m. “ngọc trai” từ bãi đá lăn xuống dòng thác, tiếp tục “va” vào nhau, chảy xuống tạo ra tiếng nước ồn ào xối xả.Đá vôi ở con thác này mấp mô, gồ ghề, khiến dòng nước chảy xuống vòng như hình dẻ quạt. Mùa đông dòng thác đóng băng thành những hình thù đẹp và lạ mắt.
Thác Trân Châu
Đặc biệt, khách đi tour Cửu Trại Câu giá rẻ đến đây sẽ nhận ra ngay thác nước này từng là bối cảnh quay bộ phim nổi tiếng “Tây Du Ký”, gắn với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam cứ mỗi khi hè về.
9. Hồ Gương
Đây là một hồ nước hẹp, có chiều dài chỉ hơn 1 cây số. Hồ Gương nằm gần ngã 3 nhánh chữ Y của Cửu Trại Câu, được bao 2 bên bởi những ngọn núi cao, chắn gió nên quanh năm nước trong, phẳng lặng như gương.
Hồ Gương ở Cửu Trại Câu
10. Thác Nặc Nhật Lãng
Nặc Nhật Lãng là thác nước rộng nhất Trung Quốc với chiều rộng lên tới 320m. Theo ngôn ngữ Tây Tạng, “Nặc Nhật Lãng” (Nuo Ri Lang) có nghĩa là vị nam thần, cũng có nghĩa là nơi cao lớn. Nếu du khách đi tour Cửu Trại Câu đến đây vào thời kỳ nước rút, dòng chảy từ các hồ xuống như bài ca nhẹ nhàng, trên nền lá vàng – đá đen và dòng nước trong vắt. Mùa mưa, lượng nước dồi dào nên đổ thác tạo ra âm thanh như rung chuyển cả thung lũng. Mùa đông thác đóng băng, tạo thành những cột băng độc đáo.
Thác nước Nặc Nhật Lãng
III. Nhánh Thụ Chính Câu
1. Bãi Bonsai
Ở Cửu Trại Câu có những bãi cạn hình thành từ đá vôi bồi đắp, phía trên mọc cây cối um tùm. Bãi Bonsai ở nhánh Thụ Chính Câu này cũng như vậy. Hơn nữa, mực nước nông, màu nước trong xanh, với cây dương, linh sam mọc khắp bãi, nhìn từ trên cao xuống du khách đi tour Cửu Trại Câu sẽ có cảm giác như đứng trước một bồn cây bonsai khổng lồ.
Bãi Bonsai
2. Các hồ Song Long, Ngọa Long
Đá vôi ở những hồ nước này có khúc gần như nhô lên mặt nước, có khúc lại chìm hẳn dưới hồ, mà màu nước ở đây trong vắt nên khách du lịch đến đây có cảm giác như nhìn thấy con rồng trắng nằm giữa hồ. Khi mặt hồ yên ả thì con rồng nằm ngủ yên. Gió lên một chút, mặt hồ gợn sóng lăn tăn thì như rồng vươn mình dậy và khi gió to, mặt hồ dậy sóng cũng là lúc những “lão rồng” quẫy tung nước rồi biến mất về trời.
Hồ Ngọa Long
3. Hồ Hổ
Các hồ ở Thụ Chính Câu thường gắn với tên những con vật uy vũ nhưng thật ra nước hồ lại rất yên ả, hiền hòa. Cái tên hồ Hổ được đặt do những rặng cây phía trên mặt hồ đổi màu lá theo mùa, chỗ xanh, chỗ vàng, chỗ đỏ… soi bóng xuống mặt hồ lốm đốm như lông hổ.
Hồ Hổ ở Cửu Trại Câu
4. Làng Thụ Chính
Thụ Chính Trại hay Làng Thụ Chính, là ngôi làng lớn nhất, dân số đông nhất và thịnh vượng nhất trong 9 làng ở thung lũng Cửu Trại. Đến đây, khách đi tour Cửu Trại Câu sẽ thấy 9 bảo tháp trắng xếp thẳng hàng, được gọi là Bảo Tháp Sen Bồ Đề, tượng trưng cho 9 ngôi làng ở đây, với mong muốn hòa bình, thịnh vượng giữa các làng.
Những ngôi làng ở đây còn thu hút khách du lịch như một điểm đến “sống ảo” cực chất với đèn lồng, dây đỏ, các hình trang trí đầy màu sắc bắt mắt trên tường các nhà dân trong làng.
Ảnh cưới chụp ở Làng Thụ Chính
5. Hồ Tê Giác
Đây là hồ nằm cuối nhánh Thụ Chính Câu trước khi rẽ đi các nhánh Tắc Tra Oa Câu và Nhật Tắc Câu. Tên hồ có 2 hướng giải thích. Do dãy núi bên hồ dốc xuống phía mặt hồ, soi bóng xuống trong giống như sừng tê giác, nên hồ có tên như vậy.
Còn người dân ở Cửu Trại Câu lại kể một dị bản khác. Xưa kia có một tu sĩ Tây Tạng cưỡi tê giác đi qua đây, ông đang mắc bệnh hiểm nghèo, đến hồ này uống nước hồ thì khỏi. Sau khi nhìn cảnh sông núi thần tiên nơi đây, ông quyết định ở lại cho đến khi về già, ông cưỡi con tê giác đi thẳng xuống hồ, nên hồ được gọi là Hồ Tê Giác.
Hồ Tê Giác
Nếu bạn đến thăm Cửu Trại Câu trong Tour Cửu Trại Câu thì đừng bỏ qua những địa điểm trên đây nhé. Chúng tôi hy vọng rằng, với những chia sẻ của chúng tôi, bạn sẽ có một chuyến đi thật vui vẻ.